Những năm qua, hoạt động khuyến công không chỉ “tạo đà” cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh mà còn tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo cho lao động địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Hoạt động khuyến công Quảng Ninh đã ngày càng khẳng định được vai trò đối với phát triển kinh tế của các địa phương, tạo nền tảng hoàn thành những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế, để hoạt động khuyến công phát triển theo chiều sâu thì còn nhiều việc phải làm.
Tạo động lực cho các doanh nghiệp
Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh đã phối hợp cùng với Công ty TNHH Quang Vinh (thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều) triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gốm sứ mỹ nghệ và gốm sứ dân dụng siêu mỏng”. Theo đó, Trung tâm Khuyến công tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp 250 triệu đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia để đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm gốm sứ gia dụng chất lượng cao với quy mô vừa. Theo tính toán, dự án đi vào hoạt động sẽ cung ứng ra thị trường khoảng trên 3 triệu sản phẩm các loại/năm, đồng thời giải quyết việc làm thêm cho khoảng 110 lao động tại địa phương. Ngoài lợi ích kinh tế, dự án còn đem lại hiệu quả xã hội thiết thực, khắc phục những bất cập hiện nay trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như: Thiết bị sản xuất còn lạc hậu, không đồng bộ; bố trí mặt bằng sản xuất không hợp lý; phương pháp quản lý còn lỏng lẻo, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm kém…
Bên cạnh Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gốm sứ mỹ nghệ và gốm sứ dân dụng siêu mỏng”, năm 2014, Quảng Ninh còn triển khai 13 dự án khuyến công. Trong đó, các địa phương sẽ thực hiện 10 đề án với số kinh phí là 740 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công tỉnh sẽ thực hiện 3 đề án với số kinh phí là 260 triệu đồng. Các đề án sẽ tập trung vào những nội dung sau: Đào tạo sơ cấp nghề điện dân dụng tại huyện Hải Hà, Tiên Yên; hỗ trợ chế biến dược liệu tại TP Cẩm Phả, chế biến chè tại huyện Hải Hà, sản xuất nước uống tinh khiết tại huyện Bình Liêu; hỗ trợ, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất VLXD không nung, gia công đồ mộc, gia công cơ khí, sản xuất sản phẩm mới tại các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Cô Tô, Đầm Hà và Đông Triều. Thêm vào đó, toàn tỉnh cũng có 3 đề án khuyến công quốc gia của các đơn vị như: Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh, Công ty TNHH nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu Đông Bắc; Công ty TNHH MTV PT Computer với tổng kinh phí là 530 triệu đồng được triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2008-2013, Quảng Ninh đã triển khai và thực hiện được 212 đề án khuyến công địa phương và quốc gia với số kinh phí hỗ trợ trên 11 tỷ đồng. Bên cạnh các chính sách của Chính phủ, Quảng Ninh cũng đang hoàn thiện dự thảo Quy định quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 45/NĐ-CP nhằm khuyến khích hoạt động khuyến công.
Thực tế cho thấy, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại các vùng nông thôn. Thông qua hoạt động khuyến công đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đổi mới được máy móc trang thiết bị, nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các xã nông thôn cũng dần hình thành được các cơ sở CN-TTCN, giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Để phát triển chiều sâu
Quảng Ninh đang trên chặng đường hoàn thiện các tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, hoạt động khuyến công thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai hoạt động khuyến công vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Trước hết phải kể đến đó là nguồn nhân lực cho công tác khuyến công còn mỏng. Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công tỉnh, hiện Trung tâm chỉ có 9 cán bộ thuộc biên chế, rất thiếu so với yêu cầu tính chất nhiệm vụ được giao. Các địa phương cũng chưa có mạng lưới khuyến công chuyên trách. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực của các cơ sở công nghiệp nông thôn còn thấp, kiến thức pháp luật và năng lực quản lý của các chủ đề án khuyến công còn hạn chế. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của công tác khuyến công. Trong khi phương tiện, điều kiện làm việc còn thiếu thốn, Quảng Ninh lại là tỉnh có địa bàn khá rộng, nên việc bám sát cơ sở, đảm đương hết các nhiệm vụ là điều hết sức khó. Theo quy định, mức hỗ trợ hiện nay là tối đa không quá 250 triệu đồng cho đề án khuyến công quốc gia và không quá 150 triệu đồng cho đề án khuyến công địa phương. Với mức chi phí ngày càng tăng như hiện nay cùng với kinh phí đầu tư triển khai một đề án đều hàng tỷ đồng thì mức hỗ trợ này đến nay đã không còn phù hợp với thực tế. Hơn nữa, các thủ tục còn phức tạp, thời gian phê duyệt, tổ chức thực hiện thanh quyết toán các đề án còn chậm… nên chưa thu hút, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia đầu tư phát triển sản xuất.
Khó khăn nhất hiện nay của hoạt động khuyến công lại nằm ở nguồn kinh phí. Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động khuyến công rất thấp, trong khi nhu cầu thực tế tại các địa phương lại rất lớn. Cụ thể, ngay từ cuối năm 2013, từ 56 đề án của các địa phương đề xuất lên, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành tiến hành thẩm định, trình Bộ Công Thương và UBND tỉnh kế hoạch thực hiện 36 đề án với tổng kinh phí khoảng 4,8 tỷ đồng. Trong đó, khuyến công địa phương là 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay chỉ có 3 đề án khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt với tổng kinh phí 530 triệu đồng và 13 đề án khuyến công địa phương được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Bên cạnh việc phân khai nguồn kinh phí cũng rất chậm, nguồn kinh phí của tỉnh thay vì giao cho Trung tâm thực hiện cấp phát trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng đề án thì năm nay nguồn kinh phí này lại giao cho Sở Công Thương đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các đề án khuyến công. Thời gian thực hiện của các dự án là trong vòng 1 năm, trong khi các thủ tục hành chính còn tương đối phức tạp cũng đã khiến không ít doanh nghiệp phải lúng túng.
Hy vọng rằng, thời gian tới các ngành, các cấp liên quan sẽ có giải pháp thiết thực, ban hành các cơ chế hỗ trợ đặc thù để khắc phục những khó khăn hiện nay, đồng thời tạo động lực thúc đẩy hoạt động khuyến công hiệu quả hơn nữa.