Quảng Ninh tiến hành di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, với tổng kinh phí dự kiến lên đến hơn 365 tỉ đồng. Tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá 13, bà Nguyễn Thị Hiền – Giám đốc Sở Công thương đã trình bày tờ trình về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở có hoạt động không phù hợp quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Nguồn kinh phí này sẽ được lấy từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh và các huyện.
Để thực hiện mục tiêu phát triển tăng trưởng xanh, nhiều chính sách bảo vệ môi trường đối với các ngành công nghiệp trọng điểm và các chính sách phát triển du lịch bền vững đã được tỉnh tăng cường triển khai thời gian qua. Điển hình như, UBND tỉnh đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật về thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long. Dự án được triển khai từ tháng 11/2015 đến tháng 10/2019, thông qua các chính sách môi trường bền vững trong các ngành trọng điểm và thực hiện chính sách phát triển ngành Du lịch.
Triển khai dự án, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng, như: Thành lập 5 tổ công tác thực hiện tăng cường cơ chế tài chính, tài trợ của tỉnh, phục vụ công tác quản lý môi trường, tăng trưởng xanh; thúc đẩy chính sách khuyến khích tiết kiệm, quản lý năng lượng; thúc đẩy du lịch bền vững khu vực Vịnh Hạ Long; cải thiện, xây dựng, cung cấp thông tin du lịch, xúc tiến du lịch sinh thái tại huyện Vân Đồn; thiết kế, vận hành hệ thống nhãn xanh cho tàu du lịch; tăng cường năng lực quản lý giảm lượng ô nhiễm trực tiếp vào Vịnh Hạ Long; lập và phổ biến Sách Trắng về tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: TP Hạ Long được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác số 4 về nội dung tăng cường năng lực quản lý môi trường thông qua kiểm soát tải lượng ô nhiễm trực tiếp xuống Vịnh Hạ Long. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ các hoạt động tái chế chất thải hữu cơ và sản xuất thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá chế phẩm vi sinh uchishiro tới các công ty, trang trại, hộ gia đình; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi sạch. Trên cơ sở rà soát các cơ chế, chính sách hiện có, Tổ công tác số 4 tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện cơ chế ưu đãi để đề xuất UBND tỉnh ban hành, làm cơ sở ứng dụng, triển khai, nhân rộng các công nghệ tiên tiến vào phát triển nông nghiệp bền vững, giảm tải lượng ô nhiễm xuống Vịnh.
Cùng với dự án của JICA, nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh cũng đang được Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 triển khai thực hiện, như: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường; cấm các hoạt động chuyển tải xi măng và các loại hàng hóa rời, không cho di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bốc rót than trên Vịnh; di dời và quy hoạch các điểm cư dân làng chài, địa điểm nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè; tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú du lịch; tổ chức thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long; chú trọng xử lý nước thải ở các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Các bể xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) được quan tâm đầu tư, đảm bảo các chỉ số về môi trường
Để cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ năm 2016 đến nay, Quảng Ninh đã chi trên 157 tỷ đồng để lắp đặt 27 trạm quan trắc môi trường tự động; triển khai các dự án cải tạo ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long; ngành Than triển khai xây dựng 39 trạm xử lý nước thải mỏ, thực hiện cải tạo hoàn nguyên môi trường trên 800ha bãi thải mỏ tại khai trường khai thác than thuộc các đơn vị ngành Than.
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 80% nước thải từ hoạt động khai thác than đã được xử lý, hầu hết các bãi thải mỏ không còn hoạt động đã được hoàn nguyên môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị đạt 90%;…
Theo Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (giai đoạn 2014-2020), các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các dự án phát triển tăng trưởng xanh. Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nội dung tăng trưởng xanh được triển khai thực hiện tới các cá nhân, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, việc phối hợp nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào bảo vệ sinh thái Vịnh Hạ Long cũng luôn được tỉnh quan tâm chú trọng.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (giai đoạn 2014-2020) sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh, gắn liền tăng trưởng xanh với phát triển kinh tế – xã hội./.