Trang chủ / Tin tức / Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP Cần tiếp tục đồng bộ văn bản, chính sách

Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP Cần tiếp tục đồng bộ văn bản, chính sách

In bài viết Chia sẻ:

Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công được ban hành với nhiều nội dung bổ sung đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bên cạnh chính sách đã được Đảng, Nhà nước định hướng, chỉ đạo việc kịp thời ban hành các văn bản pháp luật để cụ thể và đồng bộ cho việc thực hiện chính sách là một yêu cầu rất lớn khi triển khai thực hiện.

Hỗ trợ triển khai hoạt động khuyến công

Ngay sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công được ban hành, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản liên quan để hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định. Trước tiên là Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP.

Tiếp theo đó là Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12/2013 quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2014. Ngày 18/02/2014, liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn về trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/4/2014 và thay thế cho Thông tư số 125/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 17/6/2009 của liên Bộ Tài Chính – Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương. Một số mức chi cho các nội dung hoạt động khuyến công quy định tại Thông tư đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Những văn bản cần tiếp tục bổ sung

Thông tư số 36/2013/TT-BCT quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia đã nêu rõ về nguyên tắc lập đề án khuyến công quốc gia: “Phù hợp với chương trình khuyến công quốc gia từng giai đoạn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Hiện nay Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2008 – 2012 đã kết thúc, Dự thảo Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn đến năm 2020 đã được Bộ Công Thương xây dựng và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về tổ chức hệ thống khuyến công từ trung ương đến cấp huyện và mạng lưới cộng tác viên đến cấp xã, tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP nêu rõ: Ở Trung ương: “Cục Công nghiệp địa phương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công”. Với tổ chức khuyến công địa phương, đối với cấp tỉnh: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Trung tâm Khuyến công là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương để tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công”; đối với cấp quận, huyện: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập các chi nhánh trực thuộc Trung tâm Khuyến công cấp tỉnh”; đối với cấp xã (xã, phường, thị trấn) “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập mạng lưới cộng tác viên khuyến công để triển khai hoạt động khuyến công đến cấp xã”. Đồng thời, chế độ đối với cộng tác viên khuyến công cũng được quy định, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai. Để thực hiện theo những quy định tại Nghị định số 45, thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của đơn vị khuyến công cũng đang được tiến hành sửa đổi.

Về bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) đã và đang được các địa phương trên cả nước triển khai thực hiện theo Thông tư số 35/2010/TT-BCT ngày 12/11/2010. Quá trình tổ chức, thực hiện công tác bình chọn đã lựa chọn và tôn vinh được nhiều sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nội dung hoạt động khuyến công này được nhiều địa phương đánh giá cao và tích cực triển khai. Tuy nhiên, để lựa chọn được những sản phẩm CNNTTB, qua đó hỗ trợ phát triển sản xuất, mở rộng thị trường,… và trở thành sản phẩm chủ lực có thương hiệu đối với địa phương thì một số nội dung của thông tư về công tác bình chọn sản phẩm CNNTTB cũng đang được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và hiệu quả hơn với thực tế triển khai. Như vậy, để hoạt động khuyến công được phát triển mạnh mẽ thì việc sớm ban hành chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn tiếp theo; văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của đơn vị khuyến công ở địa phương và quy định đối với việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNTTB là những nội dung cần tiếp tục bổ sung. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ khuyến công nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công ngày càng được củng cố và nâng cao. Để các hoạt động khuyến công được triển khai mạnh mẽ, đóng góp tích cực hơn nữa vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới thì đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật sẽ đưa chính sách khuyến công ngày càng đi vào cuộc sống và hiệu quả.

Tác Giả: Anh Quân

Nguồn Tin: ven.vn