Các đề án khuyến công điểm đã tạo ra “cú huých” mạnh đối với việc thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) sản xuất các mặt hàng ngành dệt may, cơ khí, chế biến nông sản tại nhiều địa phương trên cả nước.
Đây là khẳng định của ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Đề án Khuyến công quốc gia (KCQG) điểm do Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng xây dựng các Đề án KCQG giai đoạn 2021 – 2025.
Phối hợp nhịp nhàng
Đánh giá cao công tác thực hiện hoạt động khuyến công tại các địa phương trong thời gian qua, ông Ngô Quang Trung, cho biết: Sau 16 năm triển khai công tác KCQG và khuyến công địa phương (KCĐP) đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các vùng nông thôn, qua đó giúp địa phương các cấp hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. “Có thể nói, khuyến công đã dần trở thành “người bạn đồng hành” cùng các cơ sở CNNT. Với các nội dung hoạt động hỗ trợ đa dạng phong phú, khuyến công đã tạo ra các mối liên kết sâu rộng cho các cơ sở CNNT, cho các ngành nghề thế mạnh của từng vùng, từng địa phương” – ông Ngô Quang Trung nhận định.
Theo ông Trung, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, Cục Công Thương địa phương đã có những giải pháp đồng bộ từ khâu tổ chức đến triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên xây dựng, tổ chức các đề án KCQG điểm trong giai đoạn 2018 – 2020.
Là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng, tổ chức, thực hiện các đề án KCQG điểm 2018 – 2020, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công Thương địa phương) báo cáo, sau 1 năm triển khai đề án KCQG điểm đối với ngành dệt may (2018), Trung tâm đã đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai đề án KCQG điểm từ khâu khảo sát, xây dựng kế hoạch, đến tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát để rút kinh nghiệm thực hiện trong 2 năm tiếp theo (2019 – 2020). Đồng thời, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của đề án KCQG điểm đối với các ngành hàng có thế mạnh của khu vực, Trung tâm đã khảo sát, xây dựng 2 đề án KCQG điểm giai đoạn 2019 – 2020 đối với ngành Cơ khí và Chế biến nông sản, đây cũng là 2 ngành có thế mạnh phát triển trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Cụ thể, trong giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã thực hiện 3 đề án KCQG điểm với tổng kinh phí thực hiện là 181.946,9 triệu đồng (tăng 63,74 % so với tổng kinh phí thực hiện các đề án đơn lẻ đối với các ngành dệt may, cơ khí và chế biến nông sản trong giai đoạn 2015 – 2017). Với tổng số cơ sở CNNT được hỗ trợ từ các đề án điểm là 63 cơ sở. Trong đó, số cơ sở CNNT được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật 9 cơ sở (ít hơn 06 cơ sở so với giai đoạn 2015 – 2017). Số nội dung hoạt động khuyến công triển khai 4 loại hình bao gồm hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; tổ chức hội nghị, hội thảo; đào tạo nâng cao tay nghề. Số lao động được tạo việc làm mới là 1055 người; số lượng người được đào tạo nâng cao tay nghề là 80 người. Địa bàn được triển khai 9/28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định.
Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án KCQG điểm đối với các ngành dệt may, cơ khí và chế biến nông sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đã giúp các cơ sở CNNT được tiếp cận, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, máy móc thiết bị tân tiến phù hợp với trình độ sản xuất, giúp các cơ sở CNNT tiếp cận gần hơn với “chuyển đổi số” trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường. Các đề án đã giúp các cơ sở CNNT có cơ hội giao thương trao đổi hàng hoá, kinh nghiệm quản lý điều hành sản xuất và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm…
Bên cạnh đó, góp phần giúp các địa phương phát huy hơn nữa các thế mạnh trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành phố khu vực phía Bắc nói chung và đối với ngành dệt may, cơ khí, chế biến nông sản nói riêng. “Quan trọng hơn là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu về lao động, việc làm và thu nhập cho người dân ở các vùng nông thôn, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới khu vực phía Bắc” – ông Thắng nhấn mạnh.
Điều chỉnh phù hợp
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, bên cạnh những thành quả đạt được, do là các đề án mới nên việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Điển hình như đối với đề án điểm ngành dệt may mới chỉ tập trung hỗ trợ nhiều cho các cơ sở CNNT sản xuất hàng may mặc; chưa triển khai hỗ trợ được nhiều các cơ sở CNNT trong lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm do các cơ sở CNNT là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có đủ tiềm lực về tài chính để đầu tư máy móc thiết bị sản xuất các ngành hàng này. Mặt khác, độ phủ của các đề án chưa cao, mới chỉ triển khai được 9/28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và cơ sở dữ liệu, thông tin về nhu cầu hỗ trợ từ nguồn kinh phí KCQG cũng như tình hình đầu tư phát triển sản xuất của các cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc còn chưa được kịp thời.
Là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên được chọn triển khai thực hiện đề án KCQG điểm, đại diện Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Lâm Đồng được chọn thực hiện đề án điểm “Hỗ trợ cho các cơ sở CNNT nâng cao năng suất và chất lượng trong chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020”, đề án đã hỗ trợ 44 cơ sở sản xuất CNNT và mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo đà cho doanh nghiệp thực hiện việc cải tiến kỹ thuật, hiện đại hóa trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần làm cho ngành chế biến cà phê trên địa bàn có bước khởi sắc đáng kể.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhỏ hộ gia đình gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn của chương trình khuyến công, do đó, để chương trình thực sự là cầu nối, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và đem lại hiệu quả cao nhất đề án KCQG điểm trong giai đoạn tới cần tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ chế biến; xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào; phát huy hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại…
Đóng góp ý kiến xây dựng nội dung thực hiện đề án KCQG trong giai đoạn mới, đại điện Sở Công Thương Thanh Hoá cho rằng, bên cạnh việc tăng kênh tiếp nhận, kết nối thị trường, tăng sức lan toả cần xây dựng một nội dung phiếu điều tra, tìm hiểu về các nhu cầu thị trường, sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vốn vay, xây dựng website, hỗ trợ thiết kế bao bì, mẫu mã, công tác xúc tiến thương mại, xử lý ô nhiễm môi trường… trên cơ sở đó, rà soát nhân rộng đề án KCQG điểm tại các địa phương hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp hoàn thiện cơ sở đề án KCQG điểm từ đại diện các địa phương, ông Ngô Quang Trung khẳng định, trong thời gian tới, Cục Công Thương địa phương sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách để đề ra giải pháp thực hiện đề án KCQG điểm trong giai đoạn tới. Cục Công Thương địa phương cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, phố cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp cung cấp thông tin và tổ chức triển khai thực hiện các đề án KCQG trong giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, các cơ sở CNNT cần chủ động phản ánh tình hình đầu tư sản xuất cũng như các nhu cầu hỗ trợ khác với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 và Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố để hoạt động khuyến công tiếp tục đồng hành hỗ trợ trong thời gian tiếp theo.