Trang chủ / Tin tức / Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII

Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII

In bài viết Chia sẻ:

Theo báo cáo, năm 2013 tổng nguồn kinh phí khuyến công được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 118,16 tỷ đồng, tăng 5,58% so với kế hoạch năm 2012 (111,905 tỷ đồng). Trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 53,069 tỷ đồng, tăng 18,88% so với năm 2012, chiếm 58,22% tổng kinh phí khuyến công quốc gia toàn quốc năm 2013 và chiếm 45,09% kinh phí khuyến công toàn vùng; kinh phí khuyến công địa phương là 65,09 tỷ đồng, chiếm 46,41% tổng kinh phí khuyến công địa phương của cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì Hội nghị

9 tháng qua với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia được hỗ trợ, các tỉnh, thành phố phía Bắc đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 12.330 lao động. Khuyến công địa phương tổ chức đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho 19.685 lao động. Các hoạt động đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Một số ngành nghề tập trung đào tạo chính là: nghề may công nghiệp, da giày, chế biến nông-lâm-thủy hải sản, chế tạo, gia công cơ khí và một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu, làng nghề truyền thống hoặc những địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật được 74 mô hình; hỗ trợ 224 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ 12 doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới,…

Các ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định, hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế – lao động ở địa phương, tạo việc làm cho lao động nông thôn; khuyến khích và huy động được các nguồn lực của nhiều tổ chức chính trị xã hội tham gia hoạt động khuyến công… Tuy nhiên, cơ sở vật chất và nhân lực cho các trung tâm khuyến công của nhiều tỉnh còn yếu và thiếu; công tác xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng hồ sơ đăng ký vẫn còn hạn chế, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán kinh phí khuyến công chậm so với tiến độ và yêu cầu,…Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công, các địa phương đề nghị tăng nguồn kinh phí, nhất là kinh phí hỗ trợ máy móc thiết bị, đào tạo nghề và xây dựng mô hình trình diễn; đơn giản hóa thủ tục giải ngân kinh phí khuyến công;… nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác khuyến công.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Dương Quang đánh giá cao kết quả hoạt động khuyến công của các địa phương trong Vùng đã đạt được. Những tháng đầu năm, trong điều kiện nền kinh tế có nhiều khó khăn Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực đã rất cố gắng trong việc đưa nguồn vốn khuyến công tới các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT)qua đó hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại, góp phần thúc đẩy ngành CNNT khu vực. Thứ trưởng yêu cầu Cục CNĐP tăng cường hướng dẫn các địa phương trong việc lực chọn, xây dựng các đề án khuyến công có chất lượng, hiệu quả. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục CNĐP chủ trì đẩy nhanh công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/NĐ-CP, kết hợp với các cơ quan thuộc Bộ ghi nhận đầy đủ ý kiến, kiến nghị của các địa phương và sớm có những giải đáp, hướng dẫn cụ thể; đồng thời cần làm tốt công tác hỗ trợ để các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ khuyến công.

Tác Giả: Anh Quân

Nguồn Tin: TTXTVPTCT