Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, các đơn hàng bị hủy, giãn tiến độ nhưng với sự nhạy bén, chuyển đổi mặt hàng sản xuất, ngành dệt may Việt Nam (DMVN) từng bước vượt khó, đạt kim ngạch xuất khẩu 35 tỷ USD trong năm 2020. Theo dự báo, ngành dệt may sẽ tiếp tục đối diện nhiều thách thức trong thời gian tới, khi giá gia công giảm sâu, nguồn vốn gặp khó,…
Nhiều khó khăn
- Thách thức và tiềm năng trong thực hiện tiết kiệm năng lượng và hiệu quả của Quảng Ninh
- Khuyến công Quảng Ninh: đồng hành cùng doanh nghiệp
- Mời tham dự lớp tập huấn ngắn hạn “Quản trị và phát triển nguồn nhân lực trong Doanh nghiệp”
- Mời tham gia chương trình hội thảo và giao thương xuất khẩu với DN Hàn Quốc ngày 19/7/2012
Trong tháng 1 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành DMVN đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao từ 9,3 đến 35,6% cho thấy tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu khả quan của ngành trong năm mới và hướng đến cán đích 39 tỷ USD vào cuối năm. Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp (DN) không khỏi lo lắng là tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, nếu không sớm kiểm soát được dịch sẽ tác động rất lớn đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh do bị “đói” dòng tiền, sản phẩm sản xuất không có đầu ra,… Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương khẳng định, các DN dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, nhất là về nguồn hàng để bảo đảm việc làm, duy trì hoạt động sản xuất. Năm nay còn khó khăn hơn năm trước, bởi không còn có những đơn hàng cũ, nguồn tiền dự phòng giảm dần. Riêng với Hugaco, tổng doanh thu năm qua đạt 2.600 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lợi nhuận bị giảm tới 20%, chỉ đạt 300 tỷ đồng do đơn hàng, giá gia công ngày càng giảm. Mục tiêu trước mắt, DN sẽ tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, trước tác động của dịch Covid-19, nhiều thị trường xuất khẩu bị “đông cứng”, các đơn hàng bị hủy, giãn tiến độ giao hàng. Trước tình hình nêu trên, May 10 đã đưa ra chiến lược sản xuất các đơn hàng có lợi thế cạnh tranh như khẩu trang vải, khẩu trang y tế, bộ quần áo phòng, chống dịch, hàng dệt kim cùng các đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị cao và thời gian sản xuất ngắn. Ngoài ra, công ty tập trung vào công tác nghiên cứu và tổ chức sản xuất, nhất là trong giai đoạn chuyển dịch, sản xuất các đơn hàng mới, khó tại các đơn vị trực thuộc và các công ty vệ tinh. Qua đó, giúp tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 3.507 tỷ đồng, tăng 29,9% so với kế hoạch, tăng 3,7% so với năm 2019. Năm 2021, May 10 phấn đấu đạt tổng doanh thu 3.636 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 82 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Để hoàn thành mục tiêu, May 10 sẽ tập trung nghiên cứu thị trường, lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp nguồn lực thiết bị, tay nghề công nhân, tăng năng suất lao động. Tiếp tục duy trì khách hàng truyền thống kết hợp mở rộng tìm kiếm khách hàng mới phù hợp năng lực sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh,…
Đánh giá về khó khăn của ngành DMVN trong năm qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, lần đầu sau 25 năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, năm 2020 chỉ đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm hơn 22%, từ 740 tỷ USD giảm xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15 đến 20%, thậm chí gần 30% nếu bị giãn cách xã hội dài đã chứng minh sự nỗ lực rất lớn của các DN. Nhờ không bị gián đoạn sản xuất, thị phần của hàng DMVN vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, trong đó nhiều tháng đứng ở vị trí số 1 về thị phần. Các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EVFTA) tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch nhưng cũng đã có những tác dụng đáng kể trong việc giảm thiếu hụt đơn hàng. Riêng với Vinatex, tuy kim ngạch xuất khẩu giảm 10%, lợi nhuận giảm 15%, nhưng tiền lương chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình 8,05 triệu đồng/người/tháng; giữ đủ việc làm cho 150 nghìn lao động; giảm giờ làm hơn 12%, tiền lương thực tế theo giờ tăng hơn 8%; và đáng chú ý là chưa phải nhận các khoản trợ cấp cho lao động để giữ được vị thế của DN trong chuỗi cung ứng.
Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA
Theo các dự báo, phải đến quý II – 2022 hoặc chậm nhất là quý IV – 2023, thị trường dệt may mới phục hồi cầu về ngưỡng năm 2019. Năm nay, giá gia công sẽ giảm sâu, xu hướng hàng hóa đơn giản thay thế hàng thời trang dẫn tới năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt,… Muốn hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD đề ra, DN phải tìm kiếm, mở rộng thị trường, trong đó các FTA được coi là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Phó Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, muốn tận dụng lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA, DN phải chứng minh được nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước nội khối trong hiệp định từ khâu sợi trở đi đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ vải trở đi với EVFTA,… Thực tế cho thấy, các đơn hàng của Việt Nam phần lớn may theo hình thức gia công, nguồn vải chủ yếu nhập khẩu cho nên việc đáp ứng yêu cầu về xuất xứ từ sợi trở đi là khá khó khăn. Dù CPTPP có một số ngoại lệ cho phép không cần theo quy tắc về xuất xứ mà vẫn có thể hưởng ưu đãi về thuế, tuy nhiên khả năng khai thác các ngoại lệ trong quy tắc xuất xứ bị hạn chế do các loại sợi, vải quy định trong danh sách nguồn cung thiếu hụt khá đặc biệt, đầy tính kỹ thuật, ít dùng cho sản xuất các loại quần áo đại trà. Trong CPTPP, chỉ có ba nhóm hàng được áp dụng quy tắc cắt may, không bắt buộc phải có nguyên liệu là vải hay sợi ở nước sở tại, gồm: va-li, túi xách; áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp nhưng những mặt hàng này lại không phải mặt hàng thế mạnh của DMVN.
Đối với EVFTA, yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm rất khắt khe, trong khi nguồn nguyên liệu dệt may do Việt Nam sản xuất đạt chất lượng cao hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của các DN. Mặc dù các DN có thể “tạm thời” sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngoại khối từ các thị trường được EVFTA chấp nhận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ,… nhưng đây lại là bài toán “cân não” với DN vì chi phí cho nguyên liệu chênh lệch lớn. Do đó, về lâu dài chúng ta phải tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu, đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo “bệ đỡ” để DMVN phát triển. Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, bên cạnh hai hiệp định nêu trên, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực, cơ hội để DN đẩy mạnh xuất khẩu, thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của ngành. RCEP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có một thị trường rộng mở hơn thị trường Trung Quốc, đồng thời Nhật Bản là một thị trường tiềm năng khi các sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong ngành dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực.
Theo Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường, dự kiến đến giữa hoặc cuối năm 2023, thị trường dệt may mới quay lại ngưỡng của năm 2019. Do đó, giai đoạn 2021 – 2023 sẽ là giai đoạn quyết định DN có thể phục hồi, đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới vị thế bền vững hơn hoặc DN có thể tụt hậu và bị bỏ rơi dần khỏi cuộc chơi. Như vậy, năm nay sẽ là năm khởi đầu giai đoạn mang tính then chốt, quyết định cả hướng đi và tốc độ phát triển của DN. Từ thực tiễn đó, Vinatex chú trọng thực hiện năm giải pháp trọng tâm như nâng cao năng lực sản xuất theo mô hình OEM (sản xuất cho các thương hiệu nước ngoài), chuyển đổi số cho toàn bộ quá trình hoạt động của DN mà trước hết là quá trình quản trị sản xuất – tồn kho – logistics, đào tạo lại nhân lực trong điều kiện mới, bảo đảm an toàn tài chính để phát triển dài hạn, đáp ứng các yêu cầu mới về môi trường và lao động. Tiếp tục các giải pháp xúc tiến thị trường, thay đổi phương thức xuất khẩu từ gia công cắt may thuê sang FOB (mua nguyên liệu – sản xuất – bán thành phẩm), ODM (thiết kế – sản xuất – bán thành phẩm), tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, giải pháp liên kết chuỗi trong nội bộ tập đoàn, kêu gọi đầu tư vào những mắt xích DMVN còn yếu,…
Có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA. Có chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may, kể cả không gian phát triển và các điều kiện kích thích phát triển. Các địa phương ủng hộ ngành dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch mà mỗi DN dệt may phải tuân thủ theo quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng. Tiếp tục chỉ đạo tiết giảm được chi phí ngoài sản xuất, nhất là các chi phí logistics thông qua quy hoạch mạng lưới logistics quốc gia, cùng các chi phí thuế quan khác,…