TTKC tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2013, khuyến công Quảng Ninh được duyệt 2,71 tỷ đồng tổng nguồn kinh phí, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương là 2,40 tỷ đồng cho triển khai 35 đề án và kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 310 triệu đồng cho 2 đề án. Tính đến cuối tháng 8/2013, 2 đề án khuyến công quốc gia đã cơ bản hoàn thành, gồm: đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất phụ tùng thay thế và sửa chữa máy nông, lâm nghiệp có tổng vốn đầu tư 950 triệu đồng đã hoàn thành 100%; đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván ghép thanh với tổng vốn đầu tư 9,99 tỷ đồng đã hoàn thành 98,8%.
- Triển vọng từ mô hình sản xuất và chế biến dược liệu tại Quảng Ninh
- Khuyến công quốc gia góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Giai đoạn từ 2020 – 2030, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt mức tiết kiệm tối thiểu 9,7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh.
- Quảng Ninh: Nghiệm thu đề án thuộc chương trình khuyến công địa phương năm 2022 tại thành phố Cẩm Phả
Cũng tính đến cuối tháng 8, TTKC tỉnh Quảng Ninh và các địa phương trong tỉnh đã phân khai và ký hợp đồng 35/35 đề án khuyến công địa phương. Một số nội dung của chương trình khuyến công đã được triển khai và giải ngân rất nhanh chóng. Tiêu biểu, TTKC và các địa phương trong tỉnh đã giải ngân 1,397 tỷ đồng hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng thiết bị hiện đại vào phát triển sản xuất; 80 triệu đồng cho nội dung đào tạo nghề, truyền nghề và đào tạo khởi sự doanh nghiệp; 100 triệu đồng hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; 233 triệu đồng triển khai nội dung tuyên truyền, phổ biến các chính sách về khuyến công…
Theo ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc TTKC tỉnh Quảng Ninh, dự kiến đến hết tháng 9/2013, khuyến công Quảng Ninh sẽ giải ngân được khoảng 2,01/2,71 tỷ đồng, đạt 74,1% kế hoạch năm. Và với tốc độ triển khai các đề án như hiện nay, năm 2013, khuyến công Quảng Ninh đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, Quảng Ninh đang khá lúng túng trong triển khai các đề án, bởi cho đến nay vẫn chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn việc sử dụng và quản lý nguồn kinh phí khuyến công theo Nghị định 45/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho khuyến công còn ít, nội dung hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, kinh phí khuyến công quốc gia được duyệt thấp hơn nhiều so với nhu cầu địa phương đã đăng ký… gây tâm lý e ngại, không hấp dẫn các cơ sở mở rộng sản xuất, nhất là các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa.
Chất lượng cán bộ khuyến công tại các địa phương cũng đang là vấn đề lớn của Quảng Ninh. Do đội ngũ khuyến công viên tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm thuộc các phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng lại thường xuyên luân chuyển, do đó rất khó cho việc đăng ký, triển khai các đề án hàng tháng, hàng quý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn theo đó cũng không phát huy hiệu quả dẫn tới khả năng xây dựng, đánh giá và lập đề án cấp cơ sở không đạt yêu cầu…
Ông Nguyễn Duy Tuấn kiến nghị, Bộ Công Thương cần nhanh chóng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và phê duyệt thông tư liên tịch thay thế cho Thông tư liên tịch số 125/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 17/6/2009 cho phù hợp với Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Thông tư được sửa đổi theo hướng tăng mức hỗ trợ kinh phí cho đề án, nhất là các đề án triển khai tại các địa phương công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, trình độ dân trí thấp so với các địa bàn khác. Ưu tiên hỗ trợ cho các đề án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ kinh phí hàng năm cũng cần được xem xét nhân với hệ số trượt giá theo thông báo của Tổng cục Thống kê hàng năm. Đơn giản hóa thủ tục trong việc thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ nhằm hạn chế tối đa tâm lý e ngại, so sánh cho các đối tượng thụ hưởng….