Trang chủ / Tin tức / Nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công

Nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công

In bài viết Chia sẻ:
 

Khuyến công hỗ trợ phát triển nông thôn mới

Theo Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP), năm 2012, tổng kinh phí khuyến công là 215 tỷ đồng, tăng 144,4% so với năm 2011. Theo kế hoạch, nguồn kinh phí này sử dụng vào các nội dung: đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp; tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường, chuyển giao công nghệ mới; hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước. Đây là giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở CNNT trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Theo đánh giá của các địa phương, nhiều nội dung khuyến công được triển khai linh hoạt, các doanh nghiệp (DN) đã có thêm nguồn lực để đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh. Các đề án khuyến công đã giúp được nhiều DN chủ động được nguồn lao động có nghề vào làm việc, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, nhiều xã nông thôn vùng khó khăn đã phát triển ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân. Khuyến khích và huy động được các nguồn lực của nhiều tổ chức chính trị xã hội tham gia hoạt động khuyến công.

Chính sách chưa đủ hấp dẫn

Tuy nhiên, đa số các địa phương đều cho rằng, mức hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ còn thấp nên khó vận động DN tham gia. Cơ sở vật chất và nhân lực cho các trung tâm khuyến công của nhiều tỉnh còn yếu và thiếu; công tác xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng hồ sơ đăng ký còn hạn chế, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán kinh phí khuyến công chậm so với tiến độ và yêu cầu; sự liên kết vùng miền còn rời rạc, công tác kiểm tra giám sát yếu. Các đề án khuyến công vẫn chủ yếu tập trung vào nội dung đào tạo truyền nghề và phát triển nghề, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị, nâng cao năng lực quản lý, hoạt động tư vấn cung cấp thông tin. Chưa hình thành được cơ sở công nghiệp nông thôn mang tính hạt nhân làm động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) ở các huyện. Tính lan tỏa của các đề án chưa cao.

Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về phát triển làng nghề, TTCN còn chồng chéo giữa các bộ, ngành, gây khó khăn cho công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện khi triển khai thực tế tại các địa phương. Sản xuất TTCN, công nghiệp nông thôn phát triển chưa tương xứng với công nghiệp trên địa bàn. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn chưa được tăng cường. Trong công tác thẩm định nhiều đề án đăng ký không đúng nội dung chương trình, sai dự toán, hồ sơ thủ tục còn thiếu so với quy định. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của một số địa phương chưa hiệu quả, chưa tạo được nguồn thu từ hoạt động này; số lượng dự án và doanh thu từ hoạt động tư vấn chưa tương xứng với tiền năng và thế mạnh của các Trung tâm.

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công

Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công, các địa phương đề nghị tăng nguồn kinh phí, nhất là kinh phí hỗ trợ máy móc thiết bị, đào tạo nghề và xây dựng mô hình trình diễn; đổi mới cơ chế chính sách cho hoạt động khuyến công, đơn giản hóa thủ tục giải ngân kinh phí khuyến công; xây dựng Quỹ khuyến công để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện vay vốn ưu đãi… nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác khuyến công góp phần phát triển công nghiệp địa phương. Thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực trên cơ sở tận dụng mọi nguồn lực của mỗi địa phương về tiềm năng lao động, vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ… Chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng các chương trình, đề án khuyến công phải cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là năng lực thực hiện của cơ sở. Giảm thiểu việc xây dựng chương trình, đề án dàn trải, nhỏ lẻ, tăng cường xây dựng đề án mang tính liên kết, mở rộng. Tiếp tục xây dựng và triển khai các hoạt động khuyến công nhằm kịp thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất, cơ sở công nghiệp nông thôn về đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng mô hình trình diễn, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, khôi phục nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy nghề mới…

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho rằng, các địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định mới về công tác khuyến công để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, quản lý, thanh quyết toán đề án khuyến công. Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy biên chế và đầu tư cơ sở vật chất phương tiện làm việc của các Trung tâm khuyến công. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp trên địa bàn, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc xây dựng kế hoạch khuyến công, nghiên cứu các mô hình sản xuất cần bám vào tiềm năng, thế mạnh của khu vực. Bám sát Nghị định 45 để đưa các nội dung mới vào hoạt động khuyến công: sản xuất sạch hơn… Nghiên cứu việc xây dựng bộ giáo trình đào tạo kỹ năng khuyến công cho cán bộ, cộng tác viên khuyến công. Lưu ý về việc xây dựng trung tâm khuyến công vùng; phát triển sản phẩm CNNTTB; liên kết vùng miền.

Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh, thời gian tới công tác khuyến công nên lồng ghép với các chương trình, dự án, đề án quốc gia và địa phương để hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao tay nghề, đào tạo và truyền nghề, khuyến khích người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, nhằm giải quyết lao động tại chỗ, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống ở nông thôn. Đồng thời tăng cường công tác hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo kiến thức quản trị kinh doanh cho người quản lý, kiến thức về kỹ thuật, thiết kế mẫu mã sản phẩm cho thợ thủ công tại các cơ sở công nghiệp nông thôn và làng nghề. Trong đó, công tác khuyến công nên ưu tiên cho các xã đang xây dựng nông thôn mới… .

Tác Giả: Anh Quân

Nguồn Tin: TTXTVPTCT