Trang chủ / Tin tức / Khuyến công Quảng Ninh góp phần xây dựng nông thôn mới ở Quảng Yên

Khuyến công Quảng Ninh góp phần xây dựng nông thôn mới ở Quảng Yên

In bài viết Chia sẻ:

Năm 2012, với nguồn kinh phí Khuyến công địa phương phân khai theo Quyết định 1026/QĐ-UBND đã hỗ trợ cho huyện Cô Tô 5 đề án là các hộ kinh doanh sản xuất chế biến thủy sản số tiền từ 40 triệu đồng – 60 triệu đồng/ 1 hộ kinh doanh. Đây là nguồn kinh phí khuyến công hàng năm của tỉnh Quảng Ninh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động cho địa phương. So với các địa phương khác trong tỉnh, về công tác khuyến công Cô Tô được ưu tiên hơn theo tinh thần Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Vốn là một địa phương gắn liền với truyền thống lịch sử, và là một địa phương có nhiều ưu thế phát triển kinh tế nông nghiệp, do vậy người dân nơi đây chỉ tập trung lao động chủ yếu trên lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản theo đúng nghĩa “ Thuần Nông ”, nhưng đến nay diện mạo của Quảng Yên đã trở nên khang trang và đổi mới toàn diện từ kết cấu hạ tầng cho đến các hoạt động kinh tế. Sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Quảng Ninh tạo đà cho TX Quảng Yên đột phá từ một huyện nông nghiệp đã thay đổi thành một thị xã với nhiều mô hình công nghiệp. Không chỉ giản đơn là mô hình công nghiệp trên ý tưởng, trên bản vẽ mà thực tế giờ đây đã hình thành nên các khu công nghiệp đang hiện hữu và đã đi vào hoạt động trên địa bàn nhà khu công nghiệp Đông Mai, khu công nghiệp đóng tàu Sông Chanh, khu chế biến thủy sản… các sản phẩm công nghiệp không chỉ tiêu thụ trên thị trường trong nước, mà còn lan tỏa đến cả thị trường Châu Âu và Châu Á.

Bên cạnh đó còn có các làng nghề với quy mô vừa và nhỏ tập trung tại các xã khu vực Hà Nam. So với các địa phương khác thì làng nghề ở Quảng Yên là sự hội tụ có truyền thống lâu đời như đan lát các sản phẩm Nông cụ, Ngư cụ, đóng thuyền… Quảng Yên đặt mục tiêu phấn đấu trong chương trình xây dựng nông thôn mới đó là bảo tồn và phát triển làng nghề theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”.
Các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hình thành nên càng ngày càng nhiều, hoạt động chủ yếu là sản xuất các sản phẩm phục vụ cho lĩnh vực xây dựng, dân dụng và nhu yếu phẩm thiết thực cung ứng cho thị trường trong và ngoài Thị xã.
Chương trình khuyến công là một động thái tích cực đã hỗ trợ, khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm tiềm lực phát triển, điều này góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết vấn đề lao động tại chỗ cho địa phương.
Vừa qua UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1026/QĐ-UBND về việc phân khai kinh phí khuyến công năm 2012 cho 35 đề án với tổng kinh phí là 2,4 tỷ đồng, trong đó có 3 doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Yên được thụ hưởng với mức 60 triệu đồng – 80 triệu đồng/1 doanh nghiệp. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp đã được thụ hưởng kinh phí khuyến công năm 2011 được biết; Chương trình khuyến công đã tháo gỡ khá nhiều khó khăn trong việc doanh nghiệp cần vốn đầu tư mở rộng kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá cả thị trường leo thang. Cũng theo ý kiến của doanh nghiệp thì nhà nước nên có chính sách mở rộng hỗ trợ thêm cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để chương trình xây dựng nông thôn mới tăng cường hiệu quả hơn nữa.

Nhìn lại sự phát triển mạnh mẽ của Quảng Yên trong những năm qua, Nếu như giai đoạn 2001-2005, đạt mức tăng bình quân 12%/năm thì đến giai đoạn 2005-2010, đạt 13,8%/năm, năm 2011, đạt 16%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng Công nghiệp – Dịch vụ – Nông nghiệp. trong đó Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 51,2 %. Dịch vụ chiếm 24,6%. Lĩnh vực Nông nghiệp chiếm 24,2%. Đặc biệt năm 2011 Quảng Yên đã được đầu tư lớn về kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí hơn 2.600 tỷ đồng cho 200 công trình lớn nhỏ phục vụ cho phát triển nông thôn mới khiến Quảng Yên thay đổi hoàn toàn diện mạo, mang dáng dấp một Thị xã công nghiệp. Điều đó cho thấy rằng vai trò của chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một yếu tố thiết thực, góp phần lớn cho sự phát triển Kinh tế – Văn hóa – Xã hội. Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Ninh khởi động là một dấu ấn quan trọng, mở ra con đường kết nối kinh tế rộng rãi trên nền tảng cơ chế chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tạo tiền đề cho những thuận lợi phát triển, và với những tiềm năng thế mạnh sẵn có… trong tương lai không xa, chắc chắn Quảng Yên sẽ trở thành điểm hội tụ lý tưởng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Sẽ vẫn tiếp tục đi lên góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Tác Giả: Lê Sỹ Trình

Nguồn Tin: TTXTVPTCT