Trang chủ / Tin tức / Thực tiễn triển khai hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2020

Thực tiễn triển khai hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2020

In bài viết Chia sẻ:

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Công Thương Quảng Ninh đã triển khai hoạt động khuyến công theo đúng tinh thần của Nghị định số 45/2012/ND-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ Về khuyến công.

Kết quả đã góp phần quan trọng trong việc động viên, huy động nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ, tiếp sức, khuyến khích nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới dây chuyền thiết bị sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết, mở rộng thị trường, tạo việc làm, nâng cao hiệu suất lao động; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập mới doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất. Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân thấy rõ hơn vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để từ đó tin tưởng hơn vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Động viên, khuyến khích, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đầu tư phát triển trong sản xuất kinh doanh.

Để triển khai tốt các nội dung hoạt động khuyến công phù hợp với tình hình thực tế và có hiệu quả thiết thực đối với các cơ sở CNNT. Trên cơ sở Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ; Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc “Ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức chi cho các hoạt động khuyến công. Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương phối hợp với phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các địa phương tập trung hỗ trợ cho các cơ sở CNNT, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp. Thực tế hoạt động Khuyến công tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2014-2020, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện các nội dung chương trình khuyến công là 115 đề án với tổng kinh phí thực hiện là 120 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ: 14.953 triệu đồng, vốn tự có của các cơ sở CNNT là 105.047 triệu đồng. Như vậy 1 đồng khuyến công hỗ trợ, thu hút được 7 đồng vốn đầu tư của các cơ sở CNNT vào phát triển sản xuất, thu hút lao động tại chỗ trên 500 lao động đảm bảo đời sống và nâng cao thu nhập cho người lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Các đề án khuyến công được triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn này đã tạo ra cú huých đủ mạnh đối với việc thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở CNNT sản xuất các mặt hàng như: Cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, dược liệu, đồ uống, và sản phẩm nông nghiệp, chế biến thủy hải sản, chế biến gỗ…; Các đề án đã giúp các cơ sở CNNT trên địa bàn được tiếp cận với các công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến phù hợp với trình độ sản xuất từng khu vực từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư cho các cơ sở CNNT khi họ đầu tư đổi mới công nghệ và máy móc thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động giúp chuỗi giá trị sản phẩm được nâng cao, đồng thời giúp các cơ sơ CNNT có được các cơ hội giao thương, trao đổi hàng hóa và học tập kinh nghiệm trong quản lý điều hành sản xuất và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt giúp các cơ sở CNNT tiếp cận dần với việc “chuyển đổi số” ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai các nội dung hỗ trợ khuyến công như: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây là chương trình trọng tâm trong hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Ninh nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các cơ sở CNNT, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu;Hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn;Hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công;Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công;

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Ninh thời gian qua cũng còn những tồn tại: Công tác xây dựng kế hoạch, đề xuất các dự án khuyến công và chất lượng hồ sơ đăng ký một số đề án còn hạn chế. Một số nội dung khuyến công chưa thực hiện được, như: Hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, phát triển cụm công nghiệp; hỗ trợ thành lập các hiệp hội ngành nghề; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Cùng đó, công tác nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động của các đơn vị nhận hỗ trợ từ khuyến công chưa thường xuyên, do vậy việc đánh giá hiệu quả sau hỗ trợ chưa sát. Số lượng các cơ sở sản xuất CNNT tham gia các chương trình khuyến công còn ít; đề án chưa đa dạng và mới chỉ tập trung vào một số nội dung như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Những khó khăn trên được xác định là do nguồn kinh phí cho chương trình khuyến công từ ngân sách địa phương còn hạn hẹp, mức hỗ trợ cho các đề án chưa cao đã phần nào hạn chế sự tham gia của các tổ chức và doanh nghiệp. Mạng lưới cán bộ chuyên trách làm công tác khuyến công ở cấp huyện, xã chưa có do đó việc khảo sát, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở CNNT lập đề án và triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương – đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ 100% kinh phí, nhận nhiệm vụ đặt hàng theo Nghị định số  32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ. Việc đặt hàng với UBND tỉnh để tạo việc làm và có nguồn thu đang gặp khó khăn do chưa có định mức kinh tế – kỹ thuật đối với danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về hoạt động khuyến công.

Với những khó khăn trên, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đây sẽ là trở ngại trong việc nâng cao chất lượng công tác khuyến công cũng như gia tăng sức đóng góp vào tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh. Theo đó, trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho công tác khuyến công nhằm phổ biến sâu rộng chính sách này tới các cơ sở, doanh nghiệp CNNT trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp trong việc triển khai công tác khuyến công. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc phân công cán bộ phụ trách khuyến công tại các PhòngKinh tế/ Kinh tế và Hạ tầng nhằm tăng cường hiệu quả công tác khảo sát, lập và triển khai các đề án khuyến công. Phối hợp lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu khác nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện.

Tuy nhiên, để thuận lợi trong triển khai các giải pháp trên, Sở Công Thương cũng đề nghị Bộ Công Thương Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; định mức kinh tế – kỹ thuật đối với danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Công Thương (trong đó có hoạt động khuyến công) để các đơn vị sự nghiệp công lập có căn cứ  xác định giá dịch vụ đặt hàng, đảm bảo tính đúng tính đủ, tạo điều kiện cho Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công nghiệp đủ kinh phí hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh, bố trí tăng kinh phí cho hoạt động khuyến công của Tỉnh theo yêu cầu, nhiệm vụ thực tế hàng năm; hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, xã để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công…

Trong giai đoạn mới, Chương trình khuyến công giai tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai trên cơ sở Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, kế thừa có chọn lọc thành tựu của công tác khuyến công trong giai đoạn trước; bám sát Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai và các Nghị quyết của Chính phủ, quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và dựa trên những kinh nghiệm về phát triển công nghiệp của các địa phương trên cả nước. Chương trình sẽ tiếp tục hướng đến hỗ trợ đối tượng là các cơ sở công nghiệp nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Để thực hiện chương trình Khuyến công địa phương đạt hiệu quả cao cần tập trung một số giải pháp cơ bản như:

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản về khuyến công nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức quản lý nhà nước, người dân và sự nhiệt tình của doanh nghiệp; triển khai tập huấn nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp, maketing cho các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ quản lý của các cơ sở CNNT, nhằm hỗ trợ cho họ tiếp cận với hệ thống kiến thức mới, tiên tiến để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị được tốt hơn;

– Đẩy mạnh triển khai các đề án điểm giai đoạn từ 3-5 năm, nhằm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, thực sự là động lực giúp các cơ sở CNNT trong cùng lĩnh vực có thế mạnh của địa phương, của vùng phát triển bền vững. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác đầu ra cho sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ trong và ngoài nước, là cầu nối để các doanh nghiệp đến với nhau, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu sản phẩm. Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công nhất là trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn, xử lý ô nhiễm môi trường; phương pháp tiếp cận, xây dựng đề án và tổ chức triển khai.

– Đặc biệt, để có được đề án khuyến công có chất lượng, phải gắn kết giữa Sở Công Thương với các huyện, thị xã, thành phố và các hiệp hội. Thông qua đó nắm bắt được những khó khăn và nhu cầu của từng cơ sở CNNT, từ đó mới có cách giải quyết để hỗ trợ, tháo gỡ cóhiệu quả nhất.

– Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công tại địa phương theo Chương trìnhkhuyến công quốc gia và Chương trình khuyến công địa phương; lồng ghép, phối hợp các chương trình mục tiêu trên địa bàn để tăng hiệu quả cho hoạt động khuyến công. Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn.

– Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức khuyến công trên địa bàn từ cấp tỉnh đến cấp huyện theo định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn với với yêu cầu nhiệm vụ của ngành Công Thương; tổ chức bộ máy theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động; đầu tư nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc Trung tâm theo hướng chuyên nghiệp; bố trí đủ biên chế; có chính sách bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác khuyến công; xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tác Giả: Khuyến Công

Nguồn Tin: TTXTVPTCT