Trang chủ / Tin tức / Khuyến công Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Khuyến công Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

In bài viết Chia sẻ:

Đại dịch Covid-19 đã gây hạn chế về nguồn cung, giá một số nguyên vật liệu cơ bản và các nguyên phụ liệu tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, cùng với nhiều chi phí phát sinh trong công tác phòng chống dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Đại dịch Covid-19 đã gây hạn chế về nguồn cung, giá một số nguyên vật liệu cơ bản và các nguyên phụ liệu tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, cùng với nhiều chi phí phát sinh trong công tác phòng chống dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Trước thực tế đó, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch khuyến công được Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt thực hiện 17 đề án, nhiệm vụ khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đảm bảo hoàn thành tốt nhất kế hoạch sản xuất năm 2021.

Kết quả tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong năm 2021 nhìn chung có nhiều tích cực: chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tính tăng 13,12% CK; sản lượng than sạch sản xuất tháng 10/2021 ước đạt 3,876 triệu tấn, lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 39,212 triệu tấn, đạt 82,38% so với kế hoạch cả năm 2021.

Nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất thực phẩm đồ uống với đơn vị thụ hưởng là Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh

Hiệu quả từ hoạt động khuyến công

Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh đã thực hiện 1 đề án thuộc nhóm khuyến công quốc gia là “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất thực phẩm, đồ uống” với tổng kinh phí 800 triệu đồng cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư máy móc vào sản xuất thực phẩm đồ uống, gồm: Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh, Công ty CP Sữa Đông Triều, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục rà soát và đăng ký bổ sung kế hoạch kinh phí khuyến công, gửi Cục Công Thương địa phương trình Bộ Công Thương phê duyệt đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ ghép thanh xuất khẩu” nhằm hỗ trợ Công ty CP Chế biến lâm sản Quảng Ninh đầu tư máy móc tiên tiến vào chế biến gỗ để đạt được 100% kế hoạch năm 2021.

Về công tác khuyến công địa phương, Trung tâm đã thực hiện 16 đề án, nhiệm vụ với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó có 8 đề án hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với kinh phí hỗ trợ 1 tỷ đồng cho các cơ sở CNNT. Nội dung hỗ trợ bao gồm ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cơ khí, sản xuất nước uống tinh khiết và nước đá, sản xuất hàng may mặc, chế biến nông sản. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện công tác tuyên truyền khuyến công qua tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, ấn phẩm, trang thông tin điện tử, hoạt động tư vấn hỗ trợ các cơ sở CNNT; tổ chức lớp tập huấn kiến thức về sản xuất sạch hơn, trao đổi học tập kinh nghiệm công tác khuyến công, rà soát đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở CNNT trong giai đoạn hỗ trợ kinh phí khuyến công 2016-2020 với tổng kinh phí 714 triệu đồng.

Nhiều doanh nghiệp OCOP có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động nhờ nguồn kinh phí Khuyến công hỗ trợ

Trung tâm đã tổ chức thành công các hội chợ triển lãm, sự kiện chuyên đề về sản phẩm OCOP – Phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh, như: Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2021 tổ chức vào tháng 11/2021 với quy mô gần 300 gian hàng; Tổ chức 2 Tuần kết nối tiêu thụ nông sản và thủy sản Quảng Ninh năm 2021 tại thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà với quy mô 35 gian hàng trên một sự kiện. Các sự kiện đều nhận được hiệu ứng tích cực của người dân và du khách đến mua sắm, tham quan tìm hiểu thông tin. Ngoài ra, thực hiện triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Trung tâm đã tổ chức thành công 2 Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn miền núi Ba Chẽ và Đầm Hà với 35 gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất của Tỉnh và trong nước.

Công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ quản lý Ngành cũng được Trung tâm thực hiện thường xuyên. Trong quý IV/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Đại học Ngoại thương tổ chức 3 lớp tập huấn về thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng, kỹ năng đàm phán kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối… với hơn 700 học viên là các cán bộ lãnh đạo, cán bộ kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Tỉnh.

Huy động nguồn lực, khai thác thế mạnh địa phương

Nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Trung tâm đã đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng yếu giai đoạn tới là huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công; tập trung hỗ trợ phát triển các cơ sở CNNT thuộc các ngành có tiềm năng, thế mạnh và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và xuất khẩu như: chế biến nông,lâm nghiệp, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, vật liệu xây dựng, cơ khí… Trong đó, ưu tiên các cơ sở không gây ô nhiễm môi trường và có lợi thế xuất khẩu; khuyến khích hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở CNNT nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải, đảm bảo phát triển bền vững.

Từ nguồn vốn hỗ trợ, Công ty TNHH MTV Newstar mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, sản xuất mắm sá sùng nâng cao chất lượng sản phẩm

Để đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả cao trong công tác khuyến công, Trung tâm xác định cần tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị thụ hưởng và đơn vị liên quan để đánh giá khả năng thực hiện đề án, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các đề án triển khai thuận lợi, hiệu quả cao và hoàn thành đúng tiến độ năm.

Tác Giả: Hoàng Dương

Nguồn Tin: TTXTVPTCT