Phát triển công nghiệp chế biến nông sản là một trong những nội dung quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán “Được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa cho các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, nhiều năm nay, Quảng Ninh luôn quan tâm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Trong những năm gần đây, nhiều mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Điển hình như mặt hàng miến dong của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu, hiện nay nhà xưởng của Công ty được đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, đảm bảo quy trình khép kín từ khâu sơ chế củ dong riềng thành phẩm, đến nghiền, trộn, ủ bột, sấy, đóng gói bao bì miến dong… Với quy trình này, mỗi ngày cơ sở chế biến miến dong của Công ty sản xuất được trên 2 tấn miến thành phẩm.
- Năm 2022, Khuyến công Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn
- Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025
- Động thổ dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng
- Quảng Ninh quyết tâm triển khai thực hiện đề án điểm: Nét mới của khuyến công quốc gia
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) đã đầu tư xây dựng trung tâm sơ chế chế biến và bảo quản nông sản, quy mô khoảng 5.000m2 tại xã Hồng Phong (TX Đông Triều), với nhà sơ chế, kho lạnh, hầm sấy quy mô lớn, hiện đại… nhờ vậy, các sản phẩm rau, củ, quả chưa kịp tiêu thụ có thể bảo quản kịp thời, khắc phục tình trạng hư hỏng.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm khác, như: Rau an toàn, sữa tươi, trứng gà, trứng vịt, hàu, tôm, ghẹ, sá sùng… được các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nông dân quan tâm áp dụng KHCN vào quy trình chế biến, bảo quản, đóng gói. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Thông qua việc đầu tư khoa học – công nghệ, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hiện nay việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản vẫn chưa thực sự tương xứng với quy mô phát triển của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khả năng chế biến đối với một số lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh, như: Thủy sản, chăn nuôi, cây ăn quả… còn hạn chế, công suất chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số doanh nghiệp chế biến nông sản còn hạn chế về vốn, công nghệ, thiết bị, lao động có tay nghề cao, năng lực quản lý…
Để phát huy vai trò của công nghiệp chế biến trong ngành nông nghiệp, ngày 7/11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND về phát triển chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản gắn với thúc đẩy phát triển thị trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu kế hoạch đưa ra là phát triển chế biến nông sản gắn với thúc đẩy phát triển thị trường để tạo liên kết chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh; nâng cao giá trị, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường bền vững.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ gia tăng giá trị lĩnh vực chế biến nông sản bình quân đạt 6-7%/năm; tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao đạt trên 15%; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,3-0,5%/năm; tăng từ 20-30% cơ sở chế biến nông sản đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO… đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với đó, các địa phương hình thành được cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch và áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến năm 2030, tốc độ gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao đặt trên 30%; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt trình độ, năng lực công nghệ trung bình khá trở lên; hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu/cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng. Trong đó, sẽ rà soát, hoàn thiện, thực hiện chính sách về phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông sản chế biến; phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho chế biến và phát triển thị trường; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản.