Trang chủ / Tin tức / Hoạt động khuyến công Quảng Ninh, hiệu quả đến từ nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ

Hoạt động khuyến công Quảng Ninh, hiệu quả đến từ nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ

In bài viết Chia sẻ:

Trong bối cảnh ảnh hưởng chung của dịch bệnh nên nhiều hoạt động kinh tế, xã hội nói chung và hoạt động của ngành Công Thương nói riêng gặp nhiều khó khăn, song bằng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Công Thương Quảng Ninh vẫn duy trì ổn định và phát triển;

cụ thể, Sở đang tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách tạo môi trường thuận lợi cho cơ sở công nghiệp nông thôn trong đầu tư, hỗ trợ CNNT về kinh phí đầu tư thông qua chính sách khuyến công. Đồng thời, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương triển khai các giải pháp để hoàn thành hiệu quả kế hoạch năm 2022; chủ động nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các cơ sở công nghiệp nông thôn để từng bước tháo gỡ, hỗ trợ các đơn vị triển khai đề án theo đúng tiến độ đã đề ra; tăng cường hỗ trợ các cơ sở CNNT trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kích cầu tiêu thụ để giúp doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, tạo được doanh thu, tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công tác khuyến công tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế – lao động theo hướng công nghiệp hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đa số các các cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng kinh phí khuyến công đang hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững do đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến.Kết quả hoạt động khuyến công Quảng Ninh thời gian qua đạt được kết quả cụ thể:

Năm 2021 Quảng Ninh triển khai 17 đề án khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 3 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 0,8 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 2,5 tỷ đồng.

 

 

Năm 2022, khuyến công Quảng Ninh được phê duyệt 20 đề án, nhiệm vụ (trong đó có 3 đề án nhóm thuộc đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 8 cơ sở công nghiệp nông thôn) hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất với tổng giá trị gần 4,9 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, thu hút trên 10 tỷ đồng vốn đối ứng từ các DN, cơ sở CNNT tăng 33% so với năm 2021. Đây là kết quả nỗ lực của ngành công thương trong hoạt động khuyến công của Quảng Ninh nhằm kích thích, tạo động lực giúp nhiều cơ sở CNNT trong tỉnh mạnh dạn đầu tư mua sắm dây chuyền, đổi mới máy móc thiết bị, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, mặc dù đội ngũ cán bộ phụ trách công tác khuyến công ở các địa phương đã được bố trí tương đối đầy đủ, song còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu; thậm chí một số nơi, cán bộ khuyến công cơ sở chưa nắm rõ định mức hỗ trợ của các đề án khuyến công… nên hiệu quả trong việc rà soát nhu cầu, tư vấn, hướng dẫn, xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch khuyến công hàng năm chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, với hầu hết các cơ sở CNNT là hộ kinh doanh và DN sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp, rất khó tập trung vốn để đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; trình độ quản lý của chủ các cơ sở CNNT còn hạn chế, thiếu chủ động trong việc tiếp cận hoạt động khuyến công.

Để Hoạt động khuyến công Quảng Ninh trong thời gian tới tiếp tục tạo bước đột phá, Trung tân Xúc tiến và phát triển công thương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố về công tác tuyên truyền cơ chế chính sách về khuyến công cũng như khảo sát, lựa chọn các đề án hỗ trợ đảm bảo phát huy hiệu quả tốt sau khi được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, tiên tiến trong sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn./.

Tác Giả: Vũ Bình Minh

Nguồn Tin: TTXTVPTCT