3 năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt... ảnh hưởng lớn đến các ngành, lĩnh vực. Cùng với triển khai nhiều giải pháp phục hồi kinh tế, tỉnh xác định ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Bumjin Electronics Vina (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên). Ảnh: Thu Trang
Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, từng bước tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao vào GRDP và thu ngân sách. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch phù hợp với bối cảnh mới của thị trường khách nội địa và quốc tế sau đại dịch.
Xác định ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế; tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Với các giải pháp quyết liệt, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP của tỉnh tăng dần theo từng năm. Năm 2021 chiếm 11,3%, năm 2022 chiếm 11,5%; dự kiến năm 2023 chiếm 12,3%, tăng 2,5% so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2021-2022 đạt 23,6%/năm, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU (Nghị quyết là 17%/năm). Riêng 6 tháng đầu năm 2023, ước tăng 12,4%. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,3 tỷ USD (đạt trên 80% mục tiêu đề ra trong Nghị quyết là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, bình quân 10.000 tỷ đồng/năm).
Cùng với đó, phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, định hướng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được thể hiện rõ nét, bước đầu hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, như KCN Texhong Hải Hà (giai đoạn 1); chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô tại các KCN Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong; cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai.
Tỉnh đã đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch, bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn có năng lực, kinh nghiệm và nghiên cứu đầu tư vào địa bàn, như: Tập đoàn TCL, Foxconn, Jinko Solar...

Công nhân Công ty Nhiệt điện Mông Dương (TP Cẩm Phả) thực hiện kiểm tra định kỳ các tổ máy. Ảnh: Hoàng Nga
Công nghiệp khai khoáng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng sản lượng than sạch 3 năm (2021-2023) ước đạt 135,56 triệu tấn. Tuy nhiên, để phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh, tỷ trọng ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% (năm 2015) xuống còn 18,3% (năm 2022), từng bước hiện thực lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch. Tuy nhiên, đóng góp vào thu nội địa của ngành than vẫn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2020 là 39,1%, năm 2021 là 36,7%, năm 2022 là 40,9%).
Công nghiệp sản xuất điện trên địa bàn tỉnh cũng có bước phát triển. Đến nay, trên địa bàn có Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh - đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW, dự án này có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp điện, tạo cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp khác, nhất là ngành công nghiệp khí hóa lỏng. Từ năm 2020 đến nay, sản lượng điện sản xuất có sự sụt giảm, ước đạt 87,4 tỷ kWh, bình quân giảm 1,01%/năm. Nguyên nhân chính được xác định là trên địa bàn tỉnh không phát sinh nhà máy điện mới đưa vào vận hành; nhu cầu huy động công suất của hệ thống lưới ưu tiên cho các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện)... Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn là địa phương có sản lượng điện sản xuất cao.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định là ngành quan trọng và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh; đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2023, ước tăng 10,4%/năm (cao hơn tốc độ tăng bình quân hằng năm theo Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh). Cơ cấu kinh tế dự kiến đến hết năm 2023 (so với năm 2020), khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 49,8% (tăng 0,7%); dịch vụ và thuê sản phẩm đạt 45,5% (tăng 1,16%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023, ước đạt 294.058 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn này đạt 10,2%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh đề ra)...
Nguyễn Huế
|
Chiều 27/5, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về một số vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch, ngói, vật liệu xây dựng trên địa bàn TX Đông Triều.
 Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn, vướng mắc và đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ trong hoạt động sản xuất gạch, ngói, vật liệu xây dựng về: Tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ đất sét sản xuất gạch, ngói; xem xét cho các doanh nghiệp đã được cấp mỏ được khai thác tăng sản lượng để bán cho các nhà máy trong thời gian chờ tỉnh cho phép đấu giá các mỏ đất sét để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong sản xuất; cho phép các doanh nghiệp được mua bã sàng, đá xít thải tại các mỏ than để phục vụ sản xuất; tăng thời hạn vận chuyển than, xít; xem xét gia hạn thuê đất và cấp giấy phép khai thác khoáng sản…
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp và báo cáo của các sở, ngành, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp.
 Đại diện các doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn, vướng mắc và đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ trong hoạt động sản xuất gạch, ngói, vật liệu xây dựng.
Đối với việc đấu giá mỏ đất sét, đồng chí yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và TX Đông Triều cần phải rà soát lại nhu cầu sử dụng đất sét của các doanh nghiệp theo từng năm và xây dựng các chiến lược dài hạn, báo cáo lại tỉnh để xem xét và đưa ra lộ trình tổ chức đấu giá hợp lý.
Đối với việc tăng sản lượng khai thác, các sở, ngành liên quan cần hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về các thủ tục, thời gian thực hiện để doanh nghiệp hiểu được và thực hiện đúng với quy định hiện hành. Đối với thời gian vận chuyển than, xít, đồng chí yêu cầu Sở Giao thông Vận tải rà soát các điều kiện vận chuyển theo quy định để báo cáo tỉnh xem xét và giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Minh Đức
|
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 đã tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp trong các tháng 3 và 4. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, do ảnh hưởng của chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.

Sơ chế tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (ngày 29/5) cho biết mặc dù tình hình còn không ít khó khăn, nhưng một số hoạt động kinh tế đã có những khởi sắc trong 5 tháng đầu năm.
Nhiều chính sách, giải pháp điều hành đang phát huy tác động tích cực, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2% so tháng trước
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết, điểm sáng và khởi sắc của tình hình kinh tế tháng 5 và năm tháng đầu năm 2023 là sản xuất công nghiệp đã chuyển biến tích cực hơn.
Thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so tháng trước và tăng 0,1% so cùng kỳ. Nếu như so cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp sơ bộ tháng 3 và tháng 4 giảm khoảng 2%; tháng 5 ước tăng 0,1%.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tăng cao so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6% .
Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD) với các mặt hàng chủ lực gồm điện thoại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; rau quả; máy móc thiết bị...
Đáng lưu ý, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, tăng gấp 12,6 lần. Đây là hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau dịch Covid-19 cùng với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới.
Về hoạt động đầu tư, nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã góp phần tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng 27,8% so cùng kỳ cho thấy Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp cũng là một điểm sáng trong nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước và tăng 2,43% so cùng kỳ; bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55%.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của tình hình kinh tế hiện nay. Đó là tình trạng doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới cũng, giảm 24,1%. Bình quân một tháng có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng giảm 2% so cùng kỳ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu giảm.
Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 49 địa phương nhưng vẫn giảm ở 14 địa phương trên cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giảm so cùng kỳ do xuất khẩu sang một số thị trường chủ yếu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, trong bối cảnh nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cần được bơm vốn để phục hồi, lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2023 tăng 4,83%, cao hơn lạm phát chung (3,55%) là một thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ. Do đó cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, chủ động khai thác các cơ hội đạt được kết quả phát triển kinh tế-xã hội cao nhất trong năm 2023 tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác.
Đặc biệt, cần hạ lãi suất điều hành phù hợp, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Điều hành tỷ giá phù hợp; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên-vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...
Kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ ...
Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn; xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.
Theo nhandan.vn
|
Công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) được ví như "xương sống" của nền kinh tế, là nền tảng, động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế phát triển bền vững. Xác định rõ điều này, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả tích cực.
 Các KCN của Quảng Ninh dần được hoàn thiện, tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Trong ảnh: KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực CBCT, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối các KKT, KCN, CCN, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng và dịch vụ cảng biển; huy động nguồn lực đầu tư xã hội vào các tiện ích phục vụ thu hút đầu tư các dự án CBCT. Tỉnh triển khai 8 dự án hạ tầng với tổng mức đầu tư được duyệt 15.587 tỷ đồng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 4 dự án công trình, còn lại 4 dự án công trình đang được triển khai đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Tỉnh đã định hướng, phát triển KCN Việt Hưng, trong đó ưu tiên thu hút dự án CBCT với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và phát triển công nghiệp phụ trợ. Để tạo điều kiện cho các dự án đầu tư trong KCN Việt Hưng, tỉnh đề xuất điều chỉnh ranh giới KKT Quảng Yên theo hướng đề xuất bổ sung KCN Việt Hưng tại Tờ trình số 1416/TTr-UBND (ngày 18/3/2022) của Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023), trong đó xác định địa điểm thực hiện KKT ven biển Quảng Yên tại TP Hạ Long, TX Quảng Yên, TP Uông Bí. Đồng thời, tỉnh sẽ thực hiện rà soát, xây dựng phương án quy hoạch lại và tái cơ cấu, chuyển đổi ngành nghề KCN Cái Lân trở thành KCN sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường. Về dài hạn có thể chuyển đổi thành khu vực phức hợp dịch vụ đô thị và dịch vụ cảng, kết hợp với khu vực cảng Cái Lân tạo thành khu dịch vụ hận cần và khu vực về khoa học công nghệ phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất.
 Sản xuất dầu thực vật tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (KCN Cái Lân, TP Hạ Long).
Đến nay, tỉnh đã thành lập được 9 Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án hạ tầng KCN và các dự án thứ cấp thuộc lĩnh vực công nghiệp CBCT. Các đơn vị thường xuyên tổ chức làm việc xử lý các vấn đề phát sinh, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động đầu tư.
Đặc biệt, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương luôn nỗ lực trong xúc tiến đầu tư, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng cao vào các ngành công nghiệp CBCT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 141 dự án FDI thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 7,582 tỷ USD, trong đó có 62 dự án FDI trong KCN, KKT hoạt động lĩnh vực CBCT với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,4 tỷ USD.
Cùng với đó, tỉnh phối hợp với tỉnh Hải Dương xây dựng cầu Triều kết nối TX Đông Triều với TX Kinh Môn của tỉnh Hải Dương; phối hợp với TP Hải Phòng triển khai các thủ tục xây dựng dự án cầu Rừng, dự án cầu Lại Xuân, dự án cải tạo nâng cấp QL10; tiếp tục đề xuất Bộ GT-VT cải tạo nâng cấp QL4B, QL279; xem xét khởi động lại đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; định hướng kết nối với các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn trong phát triển nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường chế biến nông, lâm sản...
 Đại diện IPA trao đổi với đại diện Công ty Mastern Investment Management (Hàn Quốc) nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh.
Đến nay, lĩnh vực CBCT trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.011 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CBCT, tổng vốn đăng ký đạt 96.471,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 33.100 lao động. Tại các KKT, KCN có 95 dự án công nghiệp CBCT đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 97.000 tỷ đồng với 62 dự án có vốn FDI và 33 dự án có vốn đầu tư trong nước. Các dự án đóng góp trên 1.770 tỷ đồng vào ngân sách, kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt trên 6,5 tỷ USD, thu hút 15 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 5 lượt dự án công nghiệp CBCT.
Để tiếp tục duy trì, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp CBCT, tỉnh tăng cường năng lực hỗ trợ nhà đầu tư của các tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư chiến lực thực hiện các dự án hạ tầng KCN và các dự án thứ cấp thuộc lĩnh vực công nghiệp CBCT; hoàn thiện Đề án xây dựng phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; tiếp tục đổi mới cách thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực CBCT tại các thị trường: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
Minh Đức
|
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, công nghiệp CBCT ngày càng phát huy vai trò mũi nhọn trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Hiện tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển ngành công nghiệp CBCT với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh và hướng tới thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch trong sản xuất.
 Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Việt Nam có tổng mức đầu tư 755 triệu USD đang được đầu tư xây dựng tại KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên. Ảnh: Đỗ Phương
Với định hướng đúng đắn, tỉnh Quảng Ninh tích cực mở cửa đón "làn sóng" đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp CBCT. Năm 2019, Tập đoàn Foxconn Việt Nam lựa chọn đặt dự án S-Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 137,1 triệu USD tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) để sản xuất linh kiện điện tử, ti vi. Đến nay, dây chuyền sản xuất Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam), thuộc Tập đoàn Foxconn Việt Nam tại KCN Đông Mai đã được đưa vào vận hành thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Theo đại diện Công ty TNHH Competition Team Technology, từ khi lựa chọn đầu tư tại Quảng Ninh, đơn vị đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ phía tỉnh Quảng Ninh trong các hoạt động phòng dịch, đảm bảo sản xuất. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục nhập khẩu dây chuyền lắp ráp và mở rộng nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tin tưởng rằng, với những điều kiện hiện tại, năm 2023 sẽ có nhiều triển vọng cho doanh nghiệp và dự kiến sản lượng sản xuất của nhà máy có thể tăng cao hơn nhiều lần so với năm 2022 và ổn định từ năm 2026 trở đi, trung bình sẽ đạt khoảng 1.088 tỷ đồng/năm.
Để công nghiệp CBCT phát huy được vai trò là ngành kinh tế quan trọng, là một trong ba trụ cột chính của nền công nghiệp, tỉnh Quảng Ninh chủ động ban hành và triển khai Chương trình hành động số 01/CTr-UBND (ngày 4/1/2021), trong đó đề ra 38 nhiệm vụ thuộc 8 nhóm giải pháp, phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương thực hiện. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường việc huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại đảm bảo liên thông, tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp CBCT nhanh và bền vững; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp CBCT gắn với tăng quy mô chất lượng dân số; đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, hỗ trợ và thu hút đầu tư. Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phát triển công nghiệp CBCT; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng liên kết vùng và hợp tác quốc tế phát triển công nghiệp CBCT... Việc phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, định hướng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp CBCT được tỉnh thực hiện rõ nét và hiệu quả. Hạ tầng giao thông kết nối được quy hoạch, đã và đang được triển khai đồng bộ tạo hành lang kết nối thuận lợi hai phía Đông - Tây tỉnh, thuận tiện đến các KKT, KCN, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH nói chung và công nghiệp CBCT nói riêng.
 Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn Việt Nam tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) lắp ráp màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao.
Thực hiện Nghị quyết 01, ngành công nghiệp CBCT đã đạt được nhiều kết quả khả quan, các mục tiêu, tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư vượt mục tiêu đề ra. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 1.011 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CBCT, tổng vốn đăng ký đạt 96.471,5 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong cơ cấu GRDP năm 2022 đạt khoảng 11,5%, tăng 0,2% so với năm 2021 và tăng 1,6% so với năm 2020; quý I/2023 ước đạt 12,4%, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp CBCT năm 2022 đạt 16,54%, bình quân 2 năm tốc độ tăng trưởng đạt 23,6%, cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết 01-NQ/TU, là 17%/năm và trong quý I/2023, tốc độ tăng trưởng ước tăng 10,8%. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp CBCT đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,3 tỷ USD, đạt trên 80% mục tiêu đề ra.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển ngành công nghiệp CBCT theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp CBCT công nghệ cao; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT theo hướng hiện đại, đồng bộ, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện có, gắn với các hành lang, vành đai kinh tế; tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các KCN, KKT, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng đóng góp của công nghiệp CBCT công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển từ tư duy quy hoạch phát triển KCN theo tư duy truyền thống sang quy hoạch phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” với yêu cầu gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa và đô thị hóa, giữa công nghiệp hóa với bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn, giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với nâng cao chất lượng sống của nhân dân; phát triển và hình thành KCN - đô thị - dịch vụ gắn với phát triển KCN, khu đô thị - dịch vụ nhằm cung ứng dịch vụ, tiện ích công cộng cho KCN; tăng cường liên kết hình thành các cụm liên kết ngành và KCN chuyên biệt… Với những định hướng phát triển dài hạn, lĩnh vực công nghiệp CBCT dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của tỉnh.
Minh Đức
|
Ngành công nghiệp, thương mại của Quảng Ninh trong thời gian qua đã từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển đúng định hướng, đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Năm 2022, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 50,9%, tăng 1,81%; dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%, tăng 0,44%. Những kết quả này đã từng bước đáp ứng được kỳ vọng, khẳng định ngành công nghiệp, thương mại là một trong những ngành mũi nhọn, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.
 Dây chuyền sản xuất ti vi thuộc dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.
Để ngành công nghiệp, dịch vụ tiếp tục phát triển bền vững, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, Công nghiệp - xây dựng chiếm 49-50%; dịch vụ, thuế sản phẩm 46-47%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 3-5%. Hiện thực hoá mục tiêu đề ra, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; tận dụng khai thác thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Về thương mại, tiếp tục phát huy lợi thế thương mại của tỉnh để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng chính ngạch phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động công nghiệp - thương mại trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, hấp dẫn, thông thoáng, giúp giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; củng cố niềm tin vào thị trường cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân.
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Sở Công Thương luôn nỗ lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, dịch vụ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sở đã tích cực tham mưu tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 45 CCN; triển khai đôn đốc hiệu quả việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thực hiện việc quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh nhằm phát triển đa dạng các nguồn điện (điện gió, điện sinh khối, nhiệt điện, điện năng lượng mặt trời)… và hướng dẫn các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát tiềm năng phát triển các nguồn điện trên địa bàn; quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại và rộng khắp hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với sự phát triển của thị trường; đẩy mạnh việc phối hợp, tăng cường liên kết phát triển hạ tầng thương mại nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới; hàng hoá đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…
 Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Go! Hạ Long.
Bước sang năm 2023, tiếp tục kiên định và phát huy nguồn lực, chủ động và tích cực hội nhập với mục tiêu phát triển công nghiệp - thương mại với tốc độ cao và bền vững, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực. Đồng thời, đưa ra các chỉ tiêu phát triển cụ thể trong phát triển công nghiệp, thương mại. Trong đó, kế hoạch sản lượng than sạch sản xuất dự kiến đạt 42,053 triệu tấn, bằng 92,98% so với ước thực hiện năm 2022; sản lượng điện sản xuất dự kiến đạt 34,565 tỷ kWh, bằng 102,24% so với ước thực hiện năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 81.611 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với ước thực hiện năm 2022; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh dự kiến đạt 2.991 triệu USD, tăng 7,48% so với ước thực hiện năm 2022.
Tính đến hết tháng 4/2023, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,07% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,11%; sản lượng điện sản xuất tăng 3,84%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 19% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,3% so với cùng kỳ 2022. Những kết quả này đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của phía Bắc, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ.
Nguyễn Thanh
|
Các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng ứng dụng KHCN vào sản xuất nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, từng bước thực hiện hành trình xanh, vì mục tiêu phát triển bền vững.
 Hệ thống điều khiển lọc bụi túi Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh.
Là đơn vị sản xuất công nghiệp dễ phát tán bụi và khí thải, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh luôn đặt công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Nhằm kiểm soát khí thải, công ty đã lắp đặt, kết nối, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN&MT tại các ống khói chính của dây chuyền sản xuất xi măng, như: Ống khói lò nung clinker, ống khói làm nguội clinker, ống khói nghiền xi măng, ống khói nghiền than…
Đặc biệt, trong quý III/2022, Công ty đã hoàn thành chuyển đổi từ lọc bụi tĩnh điện sang hệ thống lọc bụi túi cho công đoạn lò nung dây chuyền, khắc phục nhược điểm phải phụ thuộc vào nguồn điện của lọc bụi tĩnh điện, đảm bảo thu hồi bụi liên tục 24/24h, giảm phát tán bụi ra môi trường. Công ty lắp đặt các hệ thống: Máy phun sương dập bụi công suất lớn tại các công đoạn đập đá; hệ thống đường ống, vòi phun nước tưới đường tự động; hệ thống zulo dây nước áp lực cao tại các tuyến đường vận chuyển nội bộ; bổ sung hệ thống khung vách mái tôn bao che các kho lưu chứa nguyên vật liệu, băng tải vận chuyển nguyên vật liệu; trồng cây xanh tại khu vực sản xuất…
Thực hiện xu thế của kinh tế tuần hoàn, Công ty là một trong số các đơn vị được cấp phép thu mua, xử lý chất thải công nghiệp thông thường làm nguyên liệu thay thế than đốt cho lò nung clinker. Đây được xem là hướng đi mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa lợi ích kinh tế từ chất thải.
 Công ty Nhiệt điện Uông Bí chuyển đổi nhiên liệu đốt lò từ dầu FO sang dầu DO, giảm lượng khí thải ra môi trường.
Nằm giữa đô thị Uông Bí, Công ty Nhiệt điện Uông Bí hiện quản lý, vận hành 2 tổ máy nhiệt điện than, tổng công suất 630MW. Trước những yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt, để phù hợp với lộ trình Uông Bí trở thành đô thị loại I vào năm 2030, công ty là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi nhiên liệu đốt lò từ dầu FO sang dầu DO, giúp giảm lượng khí thải ra môi trường.
Công ty đầu tư hệ thống lọc bụi tĩnh điện, đảm bảo các chỉ số liên quan đến môi trường, như bụi, khói thải; duy trì sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo đúng quy định; giám sát quy trình vận hành; đảm bảo chất lượng nhiên liệu đúng quy định... để giảm sự cố máy móc thiết bị gây ảnh hưởng đến môi trường. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, nước thải nhiễm dầu được đầu tư đồng bộ, tự động, liên tục, đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Ông Vũ Quang Chiến, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Được sự đồng ý của Tổng Công ty Phát điện I, thời gian tới Công ty sẽ triển khai dự án nâng cấp hệ thống xử lý khí thải, tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, gồm đầu tư mới hệ thống SCR để khử NOx trong khí thải lò hơi của 2 tổ máy, cải tạo bộ sấy không khí tổ máy 300MW, thay thế máy biến áp chỉnh lưu cao tần mới và sứ cách điện… Qua đó, đảm bảo hàm lượng bụi nhỏ hơn hoặc bằng 160mg/Nm3, hàm lượng NOx nhỏ hơn hoặc bằng 800mg/Nm3, hàm lượng SO2 nhỏ hơn hoặc bằng 400mg/Nm3, đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất về môi trường theo quy chuẩn 22:2009.
Nhiều giải pháp ứng dụng KHCN vào sản xuất nhằm bảo vệ môi trường được triển khai, nhất là tại các đơn vị ngành Than. Xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu song hành cùng sản xuất, các đơn vị ngành Than đang tích cực thực hiện Đề án "Đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy"; đầu tư xe phun tưới nước dập bụi, rửa đường công suất lớn tại khu vực sàng tuyển, đường vận chuyển…, trồng cây phục hồi môi trường, cải tạo các tầng của bãi thải theo thiết kế…
TKV đang tiếp tục nghiên cứu các phương án tái sử dụng nước thải mỏ vào mục đích sinh hoạt, nâng cao chuỗi giá trị khai thác than - khoáng sản. Qua đó, từng bước giảm ảnh hưởng tiêu cực từ khai thác, chế biến than, khoáng sản đến môi trường; đưa công nghiệp khai khoáng trở thành ngành kinh tế phát triển hài hòa với môi trường; thay đổi diện mạo vùng công nghiệp theo hướng sáng - xanh - sạch.
Cao Quỳnh
|
Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng và thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Qua đó, góp phần tạo sự đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
 Người dân Cẩm Phả trồng cà gai leo phát triển kinh tế.
Tại TP Cẩm Phả, ngày càng có nhiều hộ nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Gia đình ông Nguyễn Văn Bình (tổ 1, khu 6A, phường Cẩm Thịnh) là điển hình trong việc phát triển kinh tế địa phương với việc phát triển nghề nuôi cá song lồng bè. Với diện tích 2.000m2, ban đầu gia đình ông nuôi 40 lồng cá, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm để phát triển. Tới nay, hộ ông Bình đã phát triển được 100 lồng, chủ yếu là cá song đen và song lai. Trung bình một năm gia đình ông xuất bán khoảng trên 30 tấn cá, với giá thành dao động từ 240.000-300.000 đồng/kg, mang lại doanh thu cao.
Ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Lúc đầu việc nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên qua quá trình học hỏi, tìm tòi tới nay việc nuôi cá song lồng bè của gia đình được cải thiện và phát triển tốt. Tôi thấy môi trường ở đây phù hợp để phát triển nuôi trồng. Sau mỗi vụ cá, mỗi năm trừ chi phí nuôi trồng, gia đình tôi thu nhập khoảng gần 1,5 tỷ đồng. Thời gian tới, gia đình nghiên cứu mở rộng thêm vùng nuôi để tiếp tục phát triển kinh tế, phát huy hết lợi thế nuôi trồng tại địa phương.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn TP Cẩm Phả cũng đã mạnh dạn vay vốn thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân, vay tín chấp Ngân hàng CSXH đầu tư chuyển đổi cơ cấu, mở rộng quy mô sản xuất, nhằm tăng sản lượng, chất lượng và giá thành sản phẩm. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn, gà, vịt... phát triển mạnh trên địa bàn và mang lại hiệu quả kinh tế, tăng doanh thu trên diện tích sản xuất. Hiện TP Cẩm Phả có 3.935 hội viên nông dân trên 89 chi hội ở 9 phường, xã và có 6 mô hình phát triển kinh tế có quy mô lớn cho hiệu quả, thu nhập cao hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng trên năm.
Cùng với Cẩm Phả, hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đang được nông dân phát triển sâu rộng tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu. Từ đó, đã giúp phát huy vai trò đầu tàu, nòng cốt trong xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, thành lập các HTX, tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và doanh nghiệp liên kết để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
 Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ mang lại thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Lợi (Ba Chẽ).
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, tính đến hết năm 2022, đã có 63.533/63.915 hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 99,4% kế hoạch và 99,9% so với năm 2021. Hội vận động được 79.621 hộ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đạt 112% so với năm 2021; tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 21 HTX và 24 tổ hợp tác, tổ liên kết, nâng tổng số hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết do Hội Nông dân hướng dẫn, hỗ trợ thành lập đến nay là 229 tổ.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể để củng cố, phát triển các mô hình liên kết sản xuất, các HTX, tổ hợp tác thông qua hoạt động tạo vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, tổ chức tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công tác quản lý trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thông tin, tham gia xây dựng thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân và các HTX, tổ hợp tác; đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về phát triển kinh tế và vận động, xây dựng, nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Minh Đức
|
Ba năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh vẫn là điểm sáng của cả nước khi tăng trưởng GRDP luôn đạt 2 con số. Để có được kết quả đó, tỉnh luôn chủ động, nắm bắt cơ hội để tìm hướng phát triển bền vững; trong đó có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT).
Quyết sách đúng đắn, kịp thời
Sau 10 năm kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, năm 2020 ngay sau Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh ban hành nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ mới - Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 6/11/2020) "Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp CBCT giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
 Tập đoàn Foxconn sản xuất màn hình tivi tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).
Nghị quyết ra đời trong bối cảnh tỉnh đang từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không ngừng được cải thiện; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên… Điều này đã tạo ra cơ hội, động lực phát triển, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực và nhà đầu tư.
Quan điểm phát triển ngành CBCT của tỉnh là sẽ tạo cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong GRDP của tỉnh đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động, đề ra 38 nhiệm vụ thuộc 8 nhóm giải pháp; thành lập BCĐ phát triển công nghiệp CBCT của tỉnh để đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp CBCT công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...
 KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) có tỷ lệ doanh nghiệp lấp đầy cao nhất tỉnh.
Tỉnh cũng tập trung tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư, tăng tỷ trọng đóng góp và thu hút lao động chất lượng cao; đẩy mạnh triển khai sớm các quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn có và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… đón đầu sự chuyển dịch mạnh mẽ toàn cầu.
Gặt hái nhiều "trái ngọt"
Từ tinh thần Nghị quyết, sự mạnh dạn đổi mới, quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp hiệu quả, phù hợp đã sớm đem về "trái ngọt" cho tỉnh. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay tỉnh có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CBCT, với tổng vốn đăng ký đạt gần 97.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng ngành này đạt 23,6%, tỷ trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh đạt trên 11%/năm, đang tiến dần tới mục tiêu Nghị quyết là đến năm 2025, công nghiệp CBCT chiếm 15% trong GRDP.
 Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, tiếp ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành USABC, ngày 28/3/2023.
Điều này lý giải vì sao Quảng Ninh đang ghi nhận “làn sóng” đầu tư vào ngành công nghiệp CBCT tăng mạnh. Trong 2 năm khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quảng Ninh đã thu hút trên 41.000 tỷ đồng (1,76 tỷ USD) đầu tư vào ngành công nghiệp CBCT, trong đó vốn FDI trên 1,3 tỷ USD.
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh cuối tháng 3/2023, ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đã đề xuất tỉnh tạo điều kiện để các nhà đầu tư USABC đến trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Theo ông, sau đại dịch Covid-19, chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ có mong muốn chuyển dịch đầu tư từ một số quốc gia khu vực châu Á về Việt Nam. Trong đó đặc biệt là Quảng Ninh, địa phương có đến 5 năm dẫn đầu PCI.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đã có trên chục buổi tiếp, làm việc cùng các nhà đầu tư quốc tế đến từ Mỹ, Séc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Trong đó không ít nhà đầu tư đã thông tin kế hoạch đầu tư vào Quảng Ninh với số vốn hàng trăm triệu USD. Điển hình như tại KCN Sông Khoai (TC Quảng Yên), tháng 6/2023 các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản gồm: Tập đoàn Yaskawa Electric dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất động cơ và các thiết bị truyền động điện, robot công nghiệp trên diện tích khoảng 12ha, tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD; Tập đoàn Tenma xây dựng nhà máy ép khuôn nhựa máy in trên diện tích 18ha, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD...
 Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, tháng/9/2021.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Với nền hành chính hiện đại, quản trị địa phương theo hướng bền vững, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả… Quảng Ninh đang là điểm cộng để các nhà đầu tư lựa chọn với mong muốn thành công, bền vững, lâu dài. Tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, đồng hành, tạo thuận lợi nhất về TTHC, đất đai, GPMB, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư triển khai mở rộng, phát triển sản xuất, nhất là những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh đang có lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Theo các chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội công nghiệp CBCT, bởi tỉnh có hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, các KKT, KCN, đường cao tốc, nhất là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín. Đây cũng là lý do chỉ trong thời gian ngắn Quảng Ninh đã ghi nhận được sự có mặt của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp CBCT, như Foxconn, Hyundai, Amata… với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Các thương hiệu lớn xuất hiện, không chỉ mở rộng sản xuất, kinh doanh, mà đang tiếp tục lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư phụ trợ để hình thành chuỗi cung ứng khép kín trong mỗi lĩnh vực.
 Quảng Ninh sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ bậc nhất miền Bắc.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngành công nghiệp CBCT của tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan, ngày càng khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng, trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh. Các mục tiêu, tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư vượt mục tiêu đề ra. Việc phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, định hướng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp CBCT đã được thể hiện rõ nét. Hạ tầng giao thông kết nối được quy hoạch, đã và đang được triển khai đồng bộ, tạo hành lang kết nối thuận lợi hai phía Đông - Tây tỉnh, kết nối thuận tiện đến các KKT, KCN; các sở, ban, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp xúc tiến thu hút đầu tư, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công nghiệp CBCT của tỉnh nói riêng.
Đỗ Phương
|
Thời gian qua, Quảng Ninh luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động sản xuất sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và hướng tới việc bảo vệ môi trường xanh, bền vững trên địa bàn tỉnh.
 Hộ kinh doanh Vũ Anh Tuấn, TP Uông Bí được hỗ trợ thiết bị hiện đại từ nguồn khuyến công địa phương trong sản xuất rượu mơ thủ công, năm 2022.
Sở Công Thương đẩy mạnh thông tin, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng dụng sản xuất sạch hơn trong các quá trình sản xuất tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp; tập huấn đào tạo người quản lý năng lượng cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, cơ sở lưu trú; thực hiện các đề án hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phục vụ sản xuất... Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 nhà máy nhiệt điện với lượng tro xỉ hàng năm là 20 triệu tấn. Đến nay, 7/7 đơn vị có hợp đồng thu gom, xử lý tro, xỉ phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng.
Với định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút các doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tiếp tục định hướng thu hút đầu tư FDI theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Riêng năm 2022, đơn vị phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương liên quan từ chối không xem xét thu hút đầu tư đối với 3 dự án FDI vào các KCN của tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350 triệu USD, do không đảm bảo định hướng thu hút của tỉnh, có những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thâm dụng tài nguyên, nước và lao động. Cụ thể: Dự án nhà máy sản xuất bể bơi cao su của nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất vào KCN Bắc Tiền Phong; Dự án Nhà máy tái chế nhựa PET và sản xuất sản phẩm dây dai nhựa PP&PET công nghiệp, màng bọc PE công nghiệp và hạt nhựa tái chế PET của Công ty Hiroyiki (Nhật Bản) vào KCN Sông Khoai có yếu tố tiêu cực về môi trường; dự án kéo và cắt tấm silicon 4GW của Công ty TNHH Imperial Star Solar (Hồng Kông) đề xuất vào KCN Bắc Tiền Phong có yếu tố thâm dụng điện, nước; dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp máy tính xách tay, máy tính để bàn, thiết bị thông minh của Công ty Compal (Đài Loan) sử dụng 30.000 lao động.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, Sở NN&PTNT đã triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Tới nay, Sở đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 73 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cấp 534 bộ mã truy xuất sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các dự án, đề án liên quan đến sản xuất: Nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; dự án thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần, Quảng Ninh; dự án điều tra nguồn lợi thủy sản ven bờ và vùng lộng trên địa bàn tỉnh...
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để phát triển sản xuất sạch hơn, Sở thường xuyên hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực, có ưu thế của địa phương. Quy hoạch các nhà máy chế biến nông sản phù hợp với quy hoạch sản xuất nhằm tạo điều kiện cho việc hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung, gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo nguồn cung hàng nông sản ổn định đảm bảo an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Thời gian tới, Sở tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, đề án, dự án của ngành liên quan đến việc sản xuất xanh, sạch, bền vững.
 Quảng Ninh khuyến khích khách du lịch hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa tại các điểm vui chơi, tham quan, du lịch... nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Tới nay, việc thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và nhận được sự tham gia mạnh mẽ từ các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, với việc triển khai nhiều dự án, mô hình trọng tâm, trọng điểm. Điển hình: Sở KH&CN thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo về đăng ký và kê khai mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; ngành ngân hàng tổ chức triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, thanh toán không dùng tiền mặt...
Việc áp dụng sản xuất sạch hơn đã góp phần giúp cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng; tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng các sản phẩm sạch, cải thiện môi trường làm việc, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe cho người dân, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Minh Đức
|
|
|