Hoạt động khuyến công
Khuyến công Quảng Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp

Thời gian qua, chương trình khuyến công quốc gia cũng như địa phương với nhiều giải pháp chủ động, đồng bộ và tích cực đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn đầu tư dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm mới.

4 1  ảnh1
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phương Thùy đầu tư máy sấy thăng hoa trong sản xuất đông trùng hạ thảo

Năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển Công Thương Quảng Ninh (Trung tâm) được phê duyệt 18 đề án và nhiệm vụ. Trong đó, có 8 nhiệm vụ thuộc nhóm khuyến công quốc gia hỗ trợ cho các cơ sở CNNT và 10 đề án thuộc đề án khuyến công địa phương để hỗ trợ công nghệ máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Đối với đề án khuyến công quốc gia, Trung tâm đã hoàn thành 100% theo khối lượng hợp đồng ký với Cục Công Thương địa phương để thực hiện Đề án nhóm Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất về thực phẩm, đồ uống, chế biến lâm sản, thủy sản, cơ khí cho 8 cơ sở CNNT, tổng số tiền hỗ trợ từ nguồn kinh phí quốc gia là 2,4 tỷ đồng (tăng 75% so với năm 2021), thu hút trên 3 tỷ đồng từ vốn của các cơ sở CNNT tại các địa phương.

Đối với đề án khuyến công địa phương, đã hỗ trợ 10 cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, tổng số kinh phí hỗ trợ 2 tỷ đồng, (tăng 35% so với năm 2021) và hoàn thành 100% kế hoạch, thu hút trên 2,7 tỷ đồng đầu tư của các cơ sở sản xuất CNNT, tạo việc làm ổn định cho thêm hàng trăm lao động địa phương.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phương Thùy (phường Quang Trung, TP Uông Bí) là doanh nghiệp chuyên sản xuất đông trùng hạ thảo. Trước đây, hệ thống dây chuyền dù được đầu tư nhưng chưa thể đáp ứng hết các nhiệm vụ sản xuất. Năm 2022, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công để đầu tư dây chuyền máy sấy thăng hoa, phục vụ hoạt động sản xuất đông trùng hạ thảo. Từ khi đi vào sử dụng đến nay, thiết bị mới đã giúp Công ty nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thuận tiện trong quá trình sản xuất. Hiện nay, mỗi ngày Công ty cho ra lò hơn 20kg đông trùng hạ thảo, tăng nhiều lần so với trước đây.

Để công tác khuyến công thực sự hiệu quả và mang lại lợi ích cho các cơ sở CNNT, Trung tâm đã đẩy mạnh việc tư vấn trực tiếp cho các cơ sở CNNT về các lĩnh vực trọng tâm, như: Lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất, chính sách ưu đãi đầu tư...; Tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nắm bắt, tiếp nhận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển CNNT của Nhà nước… Từ đó, giúp các cơ sở CNNT chủ động trong đề nghị hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình khuyến công địa phương tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển các cơ sở CNNT thuộc các nhóm ngành có tiềm năng, thế mạnh và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, xuất khẩu, như: Chế biến nông - lâm nghiệp; chế biến thực phẩm; sản xuất hàng công nhiệp tiêu dùng; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất sản phẩm, dụng cụ cơ khí; chế biến nguyên liệu... Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh đưa ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo chuỗi giá trị của sản phẩm cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.

Như Trang

 

 
Xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024

Cục Công Thương địa phương đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024.

Theo đó, trước ngày 20/6/2023, Sở Công Thương, các tổ chức dịch vụ khuyến công xây dựng báo cáo đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia gửi về Cục Công Thương địa phương; trước ngày 30/9/2023, các địa phương, đơn vị gửi 1 bộ hồ sơ đề án đã đăng ký hoặc bản đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia (đối với đề án điểm) về Cục Công Thương địa phương để thẩm định cấp Bộ.

Cục Công Thương địa phương cũng lưu ý: Sở Công Thương thẩm định hồ sơ pháp lý của các đối tượng thụ hưởng từ đề án (giấy đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính...) và lưu tại đơn vị theo quy định; không gửi các tài liệu này về Cục Công Thương địa phương.

Cục  Công Thương địa phương
Cục Công Thương địa phương thông báo kế hoạch xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024. Ảnh minh hoạ

Về các nội dung hoạt động trong kế hoạch Khuyến công quốc gia, Cục Công Thương địa phương định hướng: Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới: Lựa chọn xây dựng các mô hình về chế biến nông lâm thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp; mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn; mô hình khác theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất: Đổi mới máy móc thiết bị, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững.

Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường: Hỗ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình áp dụng; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp (lựa chọn đề án đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm kế hoạch); hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp (lựa chọn cụm công nghiệp có hồ sơ pháp lý đầy đủ và chủ đầu tư dự kiến hoàn thành hạng mục hoặc gói thầu đề nghị hỗ trợ trong năm kế hoạch).

Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ưu tiên các đề án có sản phẩm được bình chọn, cấp giấy chứng nhận cấp khu vực, quốc gia (giấy chứng nhận còn hiệu lực).

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn: Đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở, giải quyết nhiều việc làm, sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu, khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông; tư vấn, hướng dẫn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực, liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh và thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói.

Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khuyến công.

Căn cứ định hướng trên, Chương trình Khuyến công địa phương và điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Công Thương xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung hoạt động khuyến công dự kiến thực hiện trong năm 2024.

Hải Linh
https://congthuong.vn/xay-dung-ke-hoach-khuyen-cong-quoc-gia-nam-2024-255529.html
 
Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất

Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất là xu thế tất yếu. Do đó, các đơn vị trên địa bàn Quảng Ninh đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng KHCN để nâng cao tính cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ, từ đó phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho lao động, đóng góp cho KT-XH địa phương.

 
 
Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025

Mục tiêu của Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững.


 

KCQG 2021-2025

Mục tiêu chung của Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững./.

 

(TTXVN/Vietnam+)

 

 
Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ: Chủ động trong chuyển đổi số
Với việc chủ động trong công tác chuyển đổi số, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã và đang thích ứng với hội nhập, tăng tốc và phát triển.

Nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí

Là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Hữu Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cho hay, nếu việc xuất khẩu và tiếp cận khách hàng là công việc của marketing, truyền thông và công tác thương hiệu cần luôn được chú trọng, thì việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp đã được thực hiện theo từng giai đoạn nhất định.

Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ: Chủ động trong chuyển đổi số (ảnh minh họa)
Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ: Chủ động trong chuyển đổi số. Ảnh minh họa

Ông Hoàng Hữu Thắng, cách đây 4 năm, chúng tôi đã chuyển đổi số 1 lần, khi đó, chúng tôi đưa một số bộ phận, một số hoạt động lên trên nền tảng số để vận hành. Tuy nhiên, thời điểm đó, chúng tôi đưa thì vẫn còn bộ phận sản xuất vẫn thực hiện theo tính chất số hóa từng công đoạn, từng việc chứ chưa phải là chuyển đổi số.

Đến năm 2022, chúng tôi đang tiến hành chuyển đổi số toàn diện. Tất cả các công việc đều được chúng tôi thao tác trên phần mềm. Từ làm đơn hàng, ra lệnh sản xuất, quản trị về tiến độ, quản trị chất lượng, chuyển lệnh sản xuất, luồng công việc chạy hết trên 1 nền tảng số chứ không còn câu chuyện phải đưa giấy tờ, không phải in giấy và hạn chế tối đa in giấy.

Việc này giúp chúng tôi giảm thời gian, công sức. Thông tin được liên thông, giữ liệu được đầy đủ. Khi đó, sẽ phục vụ cho công tác phân tích và đưa ra quyết định, chiến lược kinh doanh rất hiệu quả. Bởi nếu thiếu dữ liệu sẽ khiến doanh nghiệp rất khó đưa ra được quyết định và việc thiếu dữ liệu thì việc đưa ra quyết định sẽ mang tính chất cảm tính.

“Vận hành trên nền tảng số, tất cả các dữ liệu được thống kê, việc đầy đủ dữ liệu giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định, cũng như chiến lược cho các giai đoạn tiếp theo một cách cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, trải nghiệm khách hàng cũng gia tăng, mọi thứ được kịp thời hơn. Việc bảo hành, bảo trì máy móc được kịp thời, chặt chẽ”, ông Thắng chia sẻ.

Nói về công tác chuyển đổi số, ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường - chia sẻ, hiện tại, mô hình quản lý của doanh nghiệp đã áp dụng KPI vào sản xuất. Gần như tất cả quy trình, tác vụ đều làm trên hệ thống. Các chỉ số, báo cáo thống kê đều được cập nhật liên tục. Các hồ sơ được lưu trữ trên hệ thống điện toán đám mây cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong quá trình tra cứu, kiểm tra, kiểm soát, nhìn nhận được. Đội ngũ quản lý khi đi công tác xa vẫn có thể nhìn được những chỉ số cơ bản của doanh nghiệp trên hệ thống online.

Cũng theo ông Đặng Thanh Bình, là doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ… chuyển đổi số đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Hiện tại, tất cả các báo cáo, từ yêu cầu sản xuất, hay đơn giản nhất là xác nhận chấm công, in ấn, báo cáo đi công tác đều thực hiện online, thậm chí duyệt đơn hàng cũng online và ký bằng chữ ký số.

Kết quả của chuyển đổi số về hiệu quả doanh số chỉ là một phần, quan trọng hơn đó là chúng tôi kiểm soát được hệ thống. Chi phí vận hành của chúng tôi giảm bớt được lãng phí, góp phần tăng được hiệu suất quản lý của doanh nghiệp. Đơn hàng có tăng do việc ứng biến nhanh hơn. “Tất cả lịch sử, quản lý đơn hàng hoàn toàn có thể kiểm soát được, không cần kiểm soát bằng giấy. Hoặc khi khách hàng ở nước ngoài cần các báo cáo thì chúng tôi có thể linh hoạt, đối ứng rất nhanh”, ông Đặng Thanh Bình chia sẻ.

Chính sách cần gần hơn với doanh nghiệp

Hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong các doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đang gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn nhất trong chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp đó là con người vận hành trong hệ thống chuyển đổi này. Muốn chuyển đổi số thành công cần tối ưu hóa hệ thống, quy trình, quy định, biểu mẫu, dòng chảy công việc trong doanh nghiệp bằng bản cứng (bản giấy) trước. Cần xây dựng các hệ thống về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn về kiểm tra, kiểm soát hoặc những hệ thống về báo cáo trước khi mềm hóa lại.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là ở quy trình của doanh nghiệp chưa thực sự được các doanh nghiệp lưu ý khiến tiêu chuẩn được doanh nghiệp đặt ra không thống nhất và rất khó khăn trong quá trình vận hành.

Ngoài ra, cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số cần phải dễ thực hiện. Bởi theo như ông Đặng Thanh Bình, thực tế, cơ chế chính sách thì có nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ này đang còn rất khó vì còn vướng mắc và để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ này là cả một sự vất vả của doanh nghiệp.

Thực tế, để nhận được gói hỗ trợ đôi khi doanh nghiệp mất chi phí nhiều hơn cả giá trị mà họ nhận được. Bên cạnh đó, nguồn thông tin để tiếp cận những gói hỗ trợ đấy cũng chưa đến được với doanh nghiệp.

Ngoài vấn đề về cơ chế chính sách, chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất cho tổ chức, kiểm soát được quá trình và giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định một cách kịp thời và nhanh nhất. Tuy nhiên, đây là một quá trình và phải xuất phát từ nhận thức của người lãnh đạo, trong khi đó, phần lớn các lãnh đạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại vướng vào vòng luẩn quẩn của sự tồn tại.

Có rất nhiều hoạt động sản xuất quan trọng đến mức nếu chỉ 1 giờ dừng máy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Những chi phí này nếu đầu tư ngược lại cho hệ thống quản trị để đánh giá phân tích và cảnh báo sớm, thì chi phí này sẽ là rất nhỏ so với chi phí do bị dừng sản xuất. Tuy nhiên, không phải là lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng nhìn ra được. Ngoài ra, để chuyển đổi số, vấn đề còn ở các nhân sự trong tổ chức. Bởi lẽ, chuyển đổi số là cái mới, trong khi đó, quan điểm của người lao động cứ thích làm theo thói quen, dẫn đến những thất bại trong mô hình hoạt động.

"Năm 2022 này, hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, trong đó, có sự mất giá của nhiều đồng tiền lớn. Các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực xuất khẩu đối diện với sự phân vân của khách hàng nước ngoài trong việc đặt đơn hàng ở trong nước hay mua từ nước ngoài. Tỷ giá không còn là lợi thế, do đó, bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng, làm theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, buộc doanh nghiệp phải tìm cách tinh gọn quy trình, tinh gọn hệ thống, thay đổi cách quản trị để giảm chi phí sản xuất đi thì doanh nghiệp mới có lợi nhuận. Trong đó, chuyển đổi số đã hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp", ông Đặng Thanh Bình khuyến nghị và nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ là xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp trong bối cạnh hội nhập hiện nay.

Nguyễn Hạnh
 https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nganh-cong-nghiep-ho-tro-chu-dong-trong-chuyen-doi-so-222184.html
 
Giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023

Vừa qua ngày 14/02/2023, Cục Công Thương địa phương có công văn số 114/CTĐP-QLKC về việc thông báo kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023, kèm theo Quyết định số 2948/QĐ-BCT ngày 29/12/2022 của Bộ Công Thương về việc giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023.

Theo đó, giao Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh thực hiện 04 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ là 3.900 triệu đồng. Cụ thể gồm:

Đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí”. Mục tiêu chính của đề án là hỗ trợ Công ty cổ phần chế tạo – lắp đặt máy Mỏ, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế chế tạo và lắp đặt thiết bị Mỏ, Công ty cổ phần sản xuất thương mại Long Hà đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí. Tổng kinh phí thực hiện là 1.980 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 900 triệu đồng (mỗi cơ sở được hỗ trợ 300 triệu đồng).

Đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất thực phẩm”. Hỗ trợCông ty TNHH sản xuất và thương mại Phúc Anh QN và Công ty cổ phần phát triển dược Fanmec đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất thực phẩm. Tổng kinh phí thực hiện là 1.355 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 600 triệu đồng (mỗi cơ sở được hỗ trợ 300 triệu đồng).

Giao kế hoạch KP KCQG 2023

Năm 2022, kinh phí KCQG hỗ trợ 4 cơ sở CNNT ứng dụng MMTB tiên tiến vào sản xuất thực phẩm

Việc giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương cho tỉnh Quảng Ninh là vô cùng thiết thực. Thông qua đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất sẽ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn giải quyết khó khăn, mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo niềm tin, sức lan toả, động lực cho các cơ sở công nghiệp trong tỉnh, giúp hoạt động công nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, bền vững

Đặc biệt, chuỗi sự kiện Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố, Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023 sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh. Do đó, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh được hỗ trợ 2.400 triệu đồng để tổ chức các sự kiện trên./.

 

Phan Hường

 

 

 

 
Phê duyệt đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương năm 2023

Xét đề nghị của Sở Công Thương Quảng Ninh tại Tờ trình số 54/TTr-SCT ngày 06 tháng 01 năm 2023 về việc phê duyệt nhiệm vụ, đề án khuyến công địa năm 2023, ngày 10 tháng 02 năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ, đề án khuyến công địa năm 2023.


Phê duyệt đề án nhiệm vụ 2023

Hợp tác xã sản xuất nước mắm Nam Hải Quảng Ninh được khuyến công tỉnh hỗ trợ ứng dụng Nồi hơi đốt than vào sản xuất

Theo đó, có 12 đề án, nhiệm vụ khuyến công được phê duyệt. Trong đó có 07 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất do các cơ sở CNNT thực hiện, 05 nhiệm vụ do Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh thực hiện.

Các đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương năm 2023 chủ yếu tập trung vào hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trà hoa vàng, nước khoáng, nem chua truyền thống, chế biến bảo quản thủy hải sản, sản xuất đồ nội thất; Tuyên truyền hoạt động khuyến công; Tập huấn nâng cao năng lực quản lý, sản xuất cho cơ sở CNNT; Trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công...

UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thẩm định nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ... để trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí theo quy định./.

Phan Hường

 

 

 
Khuyến công Quảng Ninh tích cực hỗ trợ phát triển chế biến thực phẩm

Nhiều năm gần đây, thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 toàn cầu đã gây ra nhiều xáo trộn, khiến ngành thực phẩm Việt Nam chịu tác động lớn. Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc giảm đáng kể, hoạt động logistics, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng, hàng hóa và dòng vốn đều thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho, trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải duy trì trách nhiệm xã hội tối đa khiến nhiều doanh nghiệp phải chịu khó khăn và các sức ép lớn. Bên cạnh đó, những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng cũng có những ảnh hưởng trái chiều lên doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược thay đổi và ứng phó thích hợp. Đứng trước sóng gió chung, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh bằng cách đầu tư máy móc, thiết bị tiến tiến hiện đại, chuyển hướng từ sản xuất thực phẩm truyền thống sang sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm để chinh phục thị trường.

Hỗ trợ pt Chế biến thực phăm 1

Hộ kinh doanh Vũ Anh Tuấn (Thành phố Uông Bí) được hỗ trợ ứng dụng máy lão hóa rượu để phát triển sản phẩm rươu mơ Yên Tử

Chính sách khuyến công đã và đang hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nói chung, cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm nói riêng, từ đó tạo động lực khích lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh bền vững, góp phần phát triển công nghiệp trở thành một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Trong 2 năm 2021 và 2022, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh đã thực hiện nhiều đề án để hỗ trợ cho các cơ sở CNNT ngành chế biến thực phẩm phát triển. Cụ thể: Năm 2021, Trung tâm thực hiện 3 đề án khuyến công quốc gia và 3 đề án khuyến công địa phương để hỗ trợ 1.200 triệu đồng cho 6 cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất các sản phẩm nước khoáng, sữa tươi, ruốc hàu, bánh đa, khoai lang kén. Đến năm 2022, việc hỗ trợ các cơ sở chế biến thực phẩm được thực hiện tích cực hơn, thể hiện ở con số kinh phí mà ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các đơn vị là 2.200 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với  năm 2021. Năm 2022, đã có 4 cơ sở CNNT được hưởng kinh phí khuyến công quốc gia để ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất dược liệu, đông trùng hạ thảo, thạch rau câu và chân gà rút xương. Bên cạnh đó, ở nguồn khuyến công địa phương cũng có 5 cơ sở CNNT được hưởng kinh phí hỗ trợ để đầu tư cho sản xuất rượu, cao dược liệu, trà hoa vàng, nước mắm. Sang năm 2023, trong kế hoạch đăng ký với Cục Công Thương địa phương và Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh xây dựng danh mục đề án gồm 11 đề án liên quan đến hỗ trợ chế biến thực phẩm.

Hỗ trợ pt chế biến thực phẩm 2

Các sản phẩm của Công ty CP Sữa Đông Triều được chiết rót, đóng chai bằng máy móc, thiết bị hỗ trợ

Ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh nhận định: “Việc thay thế máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm còn giúp ngành thực phẩm tiết kiệm được rất nhiều chi phí: tiêu hao nhiên liệu, sửa chữa, nguyên vật liệu. Bên cạnh đó việc sản xuất các loại thực phẩm không những đảm bảo mà còn nhanh chóng hơn, giảm thiểu lao động thủ công từ đó tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, hạ giá thành sản xuất, giảm giá bán và lợi nhuận tăng cao”.

Ngoài ra, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá các loại sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương với mức lương ổn định và được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Tăng doanh thu, lợi nhuận hàng năm cho cơ sở chế biến; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp tại địa phương, đóng góp ngân sách cho Nhà nước và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội./.

 

Phan Hường

 

 
Kết quả triển khai thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022

Hoạt động khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Trung tâm Xúc tiến và phát triển công thương Quảng Ninh triển khai thực hiện đạt kết quả 100% khối lượng công việc, bao gồm:


Đối với khuyến công địa phương địa phương: hỗ trợ 10 đề án “Ứng dựng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn” tại các địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Ba Chẽ, Cẩm Phả, Tiên Yên, Uông Bí, Đông Triều. Với tổng số kinh phí hỗ trợ là: 2.000 triệu đồng tăng 35% so với năm 2021. Đồng thời, thu hút được trên 2.700 triệu đồng đầu tư của các cơ sở sản xuất CNNT, tạo việc làm ổn định cho thêm hơn 100 lao động địa phương.

Đối với chương trình khuyến công quốc gia: đã hoàn thành 100% theo khối lượng hợp đồng ký với Cục công thương địa phương: Đề án nhóm Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất: thực phẩm, đồ uống; chế biến lâm sản, thủy sản, cơ khí cho 8 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng số tiền hỗ trợ từ nguồn kinh phí quốc gia là 2.400 triệu thu hút trên 3.000 triệu từ vốn của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tại các địa phương : (1) thành phố Uông Bí 3 cơ sở; Thành phố Cẩm Phả 2 đơn vị; Thành phố Hạ Long (Hoành Bồ) 1 cơ sở; thị xã Đông Triều 1 cơ sở; huyện Ba Chẽ 1 cơ sở

Kết quả triển khai thực hiện công tác khuyến công

Khuyến công là đòn bẩy hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển

Nguồn kinh phí này thực sự là "đòn bẩy" hỗ trợ hữu hiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong việc đổi mới áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh nói chung và khu vực công nghiệp nông thôn nói riêng.

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khuyến công: Trung tâm Xúc tiến và phát triển công thương được Sở Công Thương giao triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ, bao gồm: (1) Tuyên truyền công tác khuyến công trên thông tin đại chúng (Website khuyến công Quảng Ninh). Đây là nhiệm vụ cần thiết trong giai đoạn chuyển đổi số nhằm giới thiệu, tuyên truyền về hoạt động khuyến công trong và ngoài tỉnh; thông tin kịp thời, rộng rãi để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nắm bắt kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước; tăng cường cập nhật, trao đổi thông tin giữa hoạt động khuyến công cấp tỉnh với cán bộ khuyến công cấp huyện và các cơ sở CNNT tham gia hoạt động khuyến công; (2) Tổ chức 02 khóa Tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến công và Tập huấn kiến thức sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022 với trên 200 học viên tham gia, nhằm giúp cho các doanh nghiệp nắm được các chính sách hỗ trợ khuyến công cũng như nâng cao các kiến thức về sản xuất sạch hơn trong sản xuất; (3)Hoạt động tư vấn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn: hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nắm bắt, tiếp nhận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển CNNT của Nhà nước. Từ đó giúp các cơ sở CNNT chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm; (4) Xây dựng, hướng dẫn triển khai thực hiện các đề án khuyến công năm 2022 và xây dựng Kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023; (5) Tổ chức đoàn đi trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Nam Định.

Hoạt động khuyến công địa phương hỗ trợ quan trọng của tỉnh nhằm khích lệ các cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh nâng cao năng lực sản xuất và tạo chuỗi giá trị của sản phẩm. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực khuyến công giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận tốt với chương trình và định hướng, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện khuyến công địa phương hàng năm đạt hiệu quả, đúng mục đích./.

Vũ Bình Minh

 

 
Vai trò của khuyến công tỉnh Quảng Ninh hiện nay

Trong những năm qua, công tác khuyến công tỉnh Quảng Ninh được triển khai thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực, nội dung khuyến công hỗ trợ luôn gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Từ đó, khẳng định vai trò là đòn bẩy trong việc huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.


Cụ thể, các nội dung hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh ngày càng gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, chính quyền tại địa phương có cái nhìn và đánh giá đúng được hiệu quả của công tác khuyến công. Các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công từng bước phát triển, hoàn thiện mô hình sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Các hoạt động hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được phổ biến rộng rãi góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và người dân. Công tác tuyên truyền tiết kiệm năng lượng thực hiện thông qua các hình thức: phóng sự phát trên Tạp chí Công Thương, cẩm nang, tờ rơi tờ gấp, trên trang thông tin điện tử Khuyến công Quảng Ninh.

Vai trò KC1

Khảo sát nhu cầu hỗ trợ khuyến công năm 2023

Tuy nhiên, hoạt động khuyến công vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Các chương trình, hoạt động khuyến công tuy đa dạng nhưng hoạt động khuyến công còn thiếu chiều sâu chưa triển khai đầy đủ các nội dung theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP. Việc tiếp cận và thu thập thông tin nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở công nghiệp còn khó khăn, quy mô các cơ sở CNNT đa phần quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất kinh tế hộ gia đình là chủ yếu, công tác quản trị còn hạn chế; một số cơ sở CNNT, doanh nghiệp tỏ ra chưa mặn mà với hoạt động này vì phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục và các điều kiện tham gia đề án.

Các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn hạn chế gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện các nội dung. Hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ tư vấn phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các đơn vị tư nhân, đơn vị tư vấn độc lập nên doanh thu hàng năm có tăng nhưng doanh số còn thấp. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ chuyên sâu cho công tác tư vấn như máy móc thiết bị phục vụ kiểm toán năng lượng, … hiện tại chưa có. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động tư vấn dịch vụ.

Vai trò 2

Công ty CP Trường Sơn 36 (huyện Ba Chẽ) được thụ hưởng kinh phí KCQG để ứng dụng máy cưa vào chế biến gỗ

Chính vì thế, để hoạt động khuyến công thật sự tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh đã đề ra một số đề xuất như. Hoạt động khuyến công hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở CNNT; phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu; phấn đấu xây dựng được các đề án điểm, đề án nhóm.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công; tăng cường các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông. Tăng cường công tác nắm địa bàn, bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời; tăng cường công tác giới thiệu sản phẩm thông qua hội chợ triển lãm, quảng bá trên bản tin, web của ngành.

Vai trò 3

Khuyến công Quảng Ninh tập trung hỗ trợ các cơ sở CNNT chế biến thực phẩm

Ngoài ra, thiêt lập quan hệ chặt chẽ và đẩy mạnh công tác phối hợp với các địa phương và các tổ chức đoàn thể nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; tăng cường trao đổi, thực hiện công tác tư vấn với các tỉnh bạn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động tư vấn; tăng cường và đa dạng nội dung hoạt động tư vấn nhằm nâng cao thu nhập cho công chức viên chức. Tự đào tạo, tâp huấn nâng cao năng lực cho các bộ làm công tác khuyến công, tư vấn; Tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các địa phương./.

 

Phan Hường

 

 
« Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối »

Trang 1 trong tổng số 33

Hình ảnh hoạt động

  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow
  • An Image Slideshow

Dành cho quảng cáo



Thống kê Website

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay535
mod_vvisit_counterHôm qua510
mod_vvisit_counterTrong tuần2324
mod_vvisit_counterTuần trước2827
mod_vvisit_counterTrong tháng3931
mod_vvisit_counterTháng trước4192
mod_vvisit_counterLượt truy cập thứ1009191

Khách trực tuyến: 14
IP của bạn: 3.231.217.107
Hôm nay 09 tháng 06 năm 2023